Vitalik Buterin lo ngại restaking ảnh hưởng đến sự ổn định của mạng Ethereum. EigenLayer, công ty đứng sau trend mới này, chia sẻ mối lo ngại của Vitalik và cho biết mô hình restaking của mình an toàn.
Những ngày qua, “restaking” trở thành đề tài bàn tán của giới đầu tư crypto. Đây là khái niệm không quá mới mẻ, nhưng được thổi bùng lên nhờ thông tin EigenLayer – công ty đang dẫn đầu cho trào lưu này, huy động được 50 triệu USD ở vòng Series A hồi tháng 3.
Gần đây, họ đã triển khai giao thức trên testnet của Ethereum và ngay lập tức bị Vitalik Buterin nhắc nhở: “Đừng làm quá tải cơ chế đồng thuận của Ethereum”.
Dù nói các mô hình restaking của mình ít rủi ro nhưng EigenLayer cũng thừa nhận lo ngại xoay quanh những đổi mới sắp tới.
Staking là việc người dùng đặt cược Ether để bảo đảm an toàn cho mạng Ethereum và nhận lại phần thưởng. Restaking là cơ chế mới, tận dụng tính năng trong blockchain — cho phép người dùng đặt cược lại Ether đã đặt cược từ trước — sử dụng liquid staking token như stETH của Lido — trên các ứng dụng phi tập trung khác của Ethereum và các blockchain khác.
‘Xem restaking như AI”
Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, bày tỏ lo ngại về việc Ethereum bị “quá tải” với các mô hình restaking phức tạp và có thiết kế kém.
- Chúng ta nên […] duy trì sự tối giản của chain, hỗ trợ việc sử dụng restaking mà không dẫn đến những thay đổi lớn trong cách thức hoạt động cơ chế đồng thuận của Ethereum
- Vitalik Buterin viết
Restaking mang đến cơ hội hấp dẫn cho nhà đầu tư, vì nó không chỉ giúp họ kiếm lợi nhuận tiêu chuẩn từ việc staking trên Ethereum, mà còn cả phần thưởng bổ sung khi restaking.
Nó cũng có thể mở ra triển vọng cho các nhà phát triển. Restaking cho phép “tạo các bridge, oracle và dịch vụ khác được hỗ trợ bởi các nguyên tắc primitive giống như staked Ethereum một cách dễ dàng hơn”, Marc-Thomas Arjoon, cộng tác viên nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản crypto CoinShares cho biết.
- Một blockchain mới thậm chí có thể khai thác thị trường này thay vì khởi động bộ validator riêng, vốn rất khó khăn và tốn kém
- Marc-Thomas Arjoon, CoinShares
Nhưng cũng có mối lo ngại ngày càng tăng rằng restaking có thể gây những rủi ro đáng kể.
Việc tạo các bridge, oracle và thậm chí các chain phụ thuộc vào tính bảo mật của Ether restaked có khả năng làm suy yếu tính bảo mật của Ethereum. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra tại phần nào đó của hệ thống đều có thể lan đến các lớp bổ sung được xây dựng dựa trên việc restaking này, đặc biệt nếu chúng không được thiết kế tỉ mỉ.
“Tôi ủng hộ EigenLayer xem restaking như AI và phát triển văn hóa cùng đội ngũ phù hợp với mạng Ethereum”, Justin Drake, nghiên cứu viên tại Ethereum Foundation nói. Drake là một trong hai nghiên cứu viên đã kiểm tra giúp bài đăng của Vitalik trước khi xuất bản.
- Giống như AI, restaking có tiềm năng mở ra các dịch vụ tuyệt vời và định hình lại hệ sinh thái. Và cũng không khác gì AI, nó có thể gây ra những rủi ro hệ thống khó giải quyết
- Justin Drake, nghiên cứu viên tại Ethereum Foundation
Sreeram Kannan, sáng lập EigenLayer, nói rằng mình “hoàn toàn đồng ý” với đánh giá của Drake và cho biết ông “rất vui vì Vitalik đang thúc giục các giao thức restaking thận trọng để không tạo những ứng dụng rủi ro cao”
Muôn kiểu rủi ro từ slashing
Mối lo ngại chính của Buterin, mà anh gọi là “rủi ro cao”, xoay quanh khả năng tiền gửi của các restaker có thể bị “slash” nếu họ vi phạm quy tắc của một giao thức khác. Một sự kiện như vậy — nếu tác động đến quá nhiều staker — có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Ethereum.
“Slashing” là việc lấy đi một số Ether từ những validator có hành động ác ý, như cố gắng lừa hệ thống hoặc không thực hiện đúng công việc của mình, chẳng hạn không có mặt vào lúc kiểm tra giao dịch. Đây là biện pháp Ethereum dùng để giữ an toàn cho hệ thống bằng cách trừng phạt những người không tuân theo quy tắc.
Arjoon nói rằng trong trường hợp slashing hàng loạt, tính bảo mật của mạng Ethereum có thể gặp nguy hiểm vì các staker có thể “buộc phải thoát vị trí do không đủ Ether theo yêu cầu”, tức là 32 Ether.
Việc thoát hàng loạt như vậy sẽ yêu cầu một quyết định lớn để giảm thiểu rủi ro cho mạng.
“Rủi ro của slashing là nếu một nhóm node lớn nói dối, những staker trung thực trong đó cũng có thể chịu chung số phận slashing. Điều này có khả năng yêu cầu forking Ethereum để cứu những node trung thực,” Kannan của EigenLayer nói.
Nhưng Kannan cũng cho biết thêm EigenLayer sẽ không gây rủi ro cao như vậy, vì “những ứng dụng chúng tôi đang xem xét có tương thích với EigenLayer không đều dựa trên khả năng không slashing và có tính minh bạch, dễ theo dõi”.
“Theo phân loại của Vitalik, tất cả chúng đều có rủi ro thấp”, ông nói.
Fork trong vụ DAO hack 2016: lịch sử có lặp lại?
Nếu rủi ro cao xảy ra, Vitalik và những người khác gợi ý, cộng đồng Ethereum — “social layer” (hay lớp xã hội – chỉ những yếu tố con người như cộng đồng, nhà phát triển, người chạy node…) hoặc layer 0 như thường được gọi — có thể cần được huy động để giải quyết một khủng hoảng lớn. Điều này gợi nhớ một sự kiện trong quá khứ mà nhiều người không muốn chứng kiến lại .
Thiết kế của Ethereum như một dự án nguồn mở giúp cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị và phát triển thông qua đồng thuận xã hội (social consensus) – đây là triết lý phát triển xương sống của Ethereum kể từ khi chuyển sang cơ chế PoS thay vì triết lý “code là luật” của mạng lưới PoW trên Ethereum Classic.
- Tôi xem bài viết của Vitalik như một lời mời gọi cộng đồng điều chỉnh lại phân tích lợi ích-chi phí xung quanh việc sử dụng lớp xã hội để can thiệp vào lớp ứng dụng
- Justin Drake, nghiên cứu viên tại Ethereum Foundation
Hiểu một cách đơn giản, bài viết của Vitalik như lời hiệu triệu cộng đồng ủng hộ Ethereum theo hướng suy xét lại lợi và hại của restaking, thay vì tác động vào hệ thống.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: cần mức độ đồng thuận xã hội của Ethereum đến đâu trong khi giải quyết các sự cố kỹ thuật?
Câu hỏi đó đặc biệt liên quan khi chúng ta nhớ lại vụ hack DAO năm 2016, khiến 50 triệu USD Ether bị đánh cắp. Các nỗ lực giải quyết vấn đề đã lên đến đỉnh điểm trong một đợt hard fork — tạo phiên bản mới của mạng Ethereum trong đó vụ hack bị đảo ngược.
Nhiều người xem đây là “gói cứu trợ” vì nó can thiệp vào hậu quả tự nhiên của vụ hack, khôi phục tiền cho chủ sở hữu token DAO như thể vụ hack chưa từng xảy ra.
“Một vụ cứu trợ — như được thực hiện với The DAO vào năm 2016 — là biện pháp xoa dịu ngắn hạn một lần”, Drake cho biết. Về lâu dài, việc tránh những tình huống như vậy có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho chúng ta, vì nó giúp xây dựng lòng tin và sự công bằng, ông nói thêm.
Vụ hack DAO và hành động tiếp theo được thực hiện bởi các nhân vật đầu não của Ethereum, đã dẫn đến chia rẽ trong cộng đồng Ethereum, với những người phản đối hard fork tiếp tục hỗ trợ chain ban đầu, chưa phân tách gọi là Ethereum Classic.
Hiện tại, cộng đồng Ethereum không mặn mà để tham gia một gói cứu trợ tương tự.
“Đồng thuận xã hội là việc cần thiết để khắc phục các lỗi và lỗ hổng đồng thuận. Nó cũng hữu ích khi kết hợp các cải tiến ở lớp đồng thuận như proof-of-stake, EIP-1559 và dankscaling”, Drake nói với DL News.