SEC trước đó muốn các ngân hàng và doanh nghiệp lưu ký tiền mã hóa phải ghi nhận lượng tài sản này là nghĩa vụ nợ, dẫn đến tranh cãi nổ ra trong chính trường Mỹ.
Hạ viện Hoa Kỳ ngày 08/05 (giờ Mỹ) đã bỏ phiếu đảo ngược quy định về lưu ký tiền mã hóa đặt ra bởi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Quy định kia được SEC đưa ra vào năm 2022, cấm không cho ngân hàng tham gia lưu ký tiền mã hóa thay mặt khách hàng, cũng như yêu cầu các công ty tài chính khác có nắm giữ crypto của người dùng thì phải ghi nhận đây là một khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán. Quy định này mô hình chung ngăn cản các định chế tài chính tiếp xúc với crypto nếu không muốn bỏ ra một số vốn lớn để đảm bảo cân đối sổ sách.
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện đã chứng kiến 228 phiếu thuận và 182 phiếu chống, đồng nghĩa với việc Hạ viện muốn bác bỏ quy định trên từ phía SEC. Đáng chú ý, có đến 21 nghị sĩ phe Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ, trong khi phần còn lại của đảng này thì giữ vững lập trường chống lại phe Cộng hòa và phủ quyết đề xuất.
Crypto đang trở thành một chiến trường mới của hai đảng thống trị chính trường nước Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa. Trong khi phe Dân chủ cầm quyền thì muốn đưa crypto vào khuôn khổ giám sát, thế hiện qua hàng loạt hành động trấn áp trong những năm qua của SEC, thì phía Cộng hòa lại chỉ trích những biện pháp này quá hà khắc và có thể bóp nghẹt lĩnh vực còn non trẻ này.
Bản thân đề xuất bác bỏ quy định của SEC cũng được khởi xướng bởi một đảng viên Cộng hòa và nhận được sự ủng hộ của Nghị sĩ Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, cũng là một thành viên Đảng Cộng hòa và là chủ biên cho dự luật quản lý stablecoin đang chờ được xem xét.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng của Tổng thống Biden lại đưa ra một tuyên bố đe dọa sẽ phủ quyết Hạ viện, cho rằng “việc giới hạn khả năng của SEC trong việc duy trì một khung pháp lý toàn diện và hiệu quả cho ngành tài sản số có thể dẫn đến sự bất ổn tài chính và quan ngại trong giới đầu tư”. Nghị sĩ Đảng Dân chủ Maxine Waters, một tiếng nói đáng chú ý khác tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính, thì cáo buộc những quan chức khởi xướng đề xuất muốn làm giảm quyền lực của SEC.
Để có thể gia tăng sức nặng, phe Cộng hòa có thể mang đề xuất này lên bỏ phiếu một lần nữa tại Thượng viện Hoa Kỳ, nơi cũng có những nhân vật ủng hộ ngành tiền mã hóa như bà Cynthia Lummis, một đảng viên Cộng hòa khác.
Chính quyền Mỹ dưới quyền Đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden trong thời gian qua đang nhận không mấy thiện cảm từ ngành tiền mã, với lý do dễ thấy là liên tục các hành động trấn áp dẫn đầu bởi SEC dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Gary Gensler – gần đây nhất là nhắm vào Uniswap, Consensys, Robinhood và đe dọa xem Ethereum (ETH) là chứng khoán.
Chủ tịch CFTC là ông Rostin Behnam mới đây còn bình luận rằng SEC có thể tiếp tục siết chặt vòng giám sát crypto trong vòng 2 năm tới.
Trong khi đó, các nỗ lực ban hành luật quản lý tiền mã hóa ở Mỹ vẫn bế tắc vì không tìm được tiếng nói thỏa hiệp giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.