Công nghệ Blockchain xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán,… Vậy blockchain là gì? Có thể làm được những gì? Cùng DeFiX tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Blockchain Là Gì?
Hiểu một cách đơn giản, block nghĩa là khối, chain là chuỗi. Công nghệ Blockchain nghĩa là chuỗi các khối kết nối với nhau. Khối sau lấy thông tin của khối trước tạo thành một mắt xích không thể phá vỡ, thay đổi hay giả mạo.
Về mặt kỹ thuật, Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp được gọi là cuốn sổ cái kỹ thuật số (Digital Ledger) ghi lại chi tiết tất cả các giao dịch thông qua hệ thống mạng ngang hàng P2P. Về cơ bản, mạng lưới này là một chuỗi các máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác thực và ghi lại.
Có thể hình dung Blockchain như một file Google Docs, nó được chia sẻ tới mọi người. Mọi người đều được phép xem nội dung bên trong. Tuy nhiên, việc xoá, chỉnh sửa nội dung đã có là không thể.
Mọi thông tin được lưu trữ trên Blockchain đều phải được xác nhận bởi các máy tính kết nối vào mạng lưới, còn gọi là “cơ chế đồng thuận”. Chính cơ chế này giúp các dữ liệu trong khối, một khi đã được chấp nhận và “ghi” vào sổ cái, sẽ không thể thay đổi được.
Như đã đề cập ở trên, Chuỗi khối sẽ không được đặt tại một vị trí và chịu sự quản trị của “quản trị viên”, thay vào đó, nó được “sao chép” thành nhiều bản và được lưu trữ trên các máy tính riêng lẻ gọi là nút (node). Chính tính phi tập trung đã tạo ra điểm khác biệt cơ bản giữa chuỗi khối so với các dữ liệu thông thường khác.
Cách vận hành của Blockchain?
Song hành cùng làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các quốc gia trên thế giới, liên tục trong những năm qua, công nghệ Blockchain nổi lên như một trong những ứng cử viên sáng giá trong số các trụ cột công nghệ nổi bật được theo dõi & tìm kiếm nhiều nhất trên Internet.
Sức nóng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt của phát kiến công nghệ đứng sau những đồng tiền mã hoá với mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng này đã và đang thu hút đông đảo sự quan tâm của truyền thông, giới mộ điệu công nghệ, cũng như các ông lớn đầu tư & các tổ chức chính phủ trên toàn cầu.
Blockchain, hay còn được gọi là “chuỗi khối” được định nghĩa & diễn đạt theo rất nhiều phương cách khác nhau, song tựu chung, nói một cách đơn giản, blockchain là công nghệ lưu trữ dữ liệu.
Đi sâu hơn đôi chút về mặt kỹ thuật, xét ví dụ một khối dữ liệu (block) của Bitcoin, trong block đó sẽ bao gồm thông tin giao dịch (người gửi, người nhận, số lượng Bitcoin chuyển đi,…), hash (hàm băm) của block này và hash của block trước đó.
Một block sẽ được khởi tạo thông qua quá trình được gọi là đào coin. Cụ thể, trong trường hợp của Bitcoin, khi một giao dịch xuất hiện, nó sẽ được gửi lên mạng Bitcoin ngang hàng. Từ đó, các miner (thợ đào) thực hiện cơ chế đồng thuận Proof of work. Nhiệm vụ của họ là tận dụng sức mạnh tính toán của hệ thống máy đào hay máy tính với cấu hình CPU & VGA cao để chạy đua tham gia giải các thuật toán phức tạp nhằm xác thực, ghi lại các giao dịch trên blockchain và nhận về phần thưởng dưới dạng Bitcoin.
Quay trở lại các thành tố cấu thành nên 1 block, dữ liệu đầu vào sẽ được mã hóa, chuyển đổi thành một dãy các chữ số và chữ cái thông qua thuật toán SHA-256 – dãy mật mã này được gọi là hash. Hash đóng vai trò như một dấu vân tay điện tử bởi tính độc nhất của nó – cụ thể, mỗi block tương ứng với một hàm băm duy nhất, và block dữ liệu sau sẽ chứa mã hash của block dữ liệu trước đó. Từ đây, chúng liên kết chặt chẽ với nhau để cấu thành nên một chuỗi dữ liệu (chain) không thể bị thay đổi, được lưu trên mạng blockchain.
Điểm khác biệt rõ rệt giữa blockchain (public) so với các phương thức lưu trữ dữ liệu truyền thống khác nằm ở việc mạng lưới này được duy trì bởi một mạng ngang hàng (P2P). Do đó, blockchain không tồn tại một trung tâm dữ liệu tập trung thường thấy ở các tổ chức như doanh nghiệp, ngân hàng, hay tổ chức chính phủ.
Thay vào đó, bất kỳ ai cũng có thể tham gia đóng góp vào sự vận hành chung của mạng lưới, và đồng thời, mỗi chủ thể đó (node – nút) đều nắm giữ một bản sao ghi chép đầy đủ toàn bộ các giao dịch Bitcoin của cuốn sổ cái phân tán này.
Blockchain Hoạt Động Như Thế Nào?
Cấu Trúc Của Blockchain
Đúng như tên gọi của nó, Blockchain bao gồm 2 phần: Block và Chain. Mạng lưới Blockchain được cấu thành bởi rất nhiều khối (Block), và những khối này liên kết với nhau tạo thành chuỗi (Chain).
Cấu Trúc Của Một Khối
Mỗi khối bao gồm 3 phần: Dữ liệu (Data), Mã hàm băm (Hash) và mã Hash của khối trước đó (Previous Hash), cụ thể:
- Data: Là các bản ghi chép dữ liệu đã được xác thực thông qua cơ chế đồng thuận và được bảo vệ bởi thuật toán mã hoá phù hợp với từng Blockchain.
- Hash: Là một chuỗi bao gồm các ký tự và số được tạo một cách ngẫu nhiên và không giống nhau. Hash có tác dụng phát hiện mọi thay đổi trong các khối.
- Previous Hash: Là mã Hash của khối trước đó, dùng để nhận biết vị trí trước sau của các khối liền kề và liên kết với nhau.
Blockchain Hoạt Động Như Thế Nào?
Về cơ bản, công nghệ chuỗi khối sẽ hoạt động như sau:
- Bước 1: Hệ thống ghi chép các thông tin giao dịch và tạo thành bản ghi
- Bước 2: Các máy tính tham gia trong hệ thống sẽ xác thực xem bản ghi trên có giá trị hay không. Ví dụ, bản ghi cho biết bạn muốn bán 3 đồng bitcoin. Nếu trong ví điện tử của người dùng có 3 bitcoin, bản ghi được xác nhận là có giá trị. Ngược lại, bản ghi sẽ vô hiệu lực trong trường hợp ví điện tử của user chỉ chứa từ 2 bitcoin trở xuống
- Bước 3: Bản ghi vừa được xác thực ở Bước 2 sẽ được xếp chung với các bản ghi đã được xác thực trước đó, tạo thành một “khối”
- Bước 4: “Khối” vừa tạo ở Bước 3 sẽ được thêm vào chuỗi bằng cách kết nối với Previous Hash
Một ví dụ đơn giản giúp user hình dung rõ hơn về cách thức hoạt động của Blockchain:
Giả sử A muốn chuyển 3 đồng Bitcoin cho B, lúc này A sẽ phát một thông báo tới mạng lưới cho biết số Bitcoin trong ví điện tử của anh ta sẽ giảm 3 và số Bitcoin trong ví của B sẽ tăng lên tương ứng. Mỗi nút trong mạng ngay lập tức sẽ nhận được thông báo của A, và chuyển tiếp yêu cầu giao dịch của A ghi vào “bản sao” của cuốn sổ cái. Sau đó, biến động số dư tài khoản của A và B được cập nhật, tức là A đã chuyển thành công 3 Bitcoin cho B.
Blockchain Có Những Đặc Điểm Nào?
Công nghệ Blockchain có những đặc điểm chính sau:
- Bất biến: Mọi dữ liệu trong Blockchain không thể sửa (có thể sửa nhưng sẽ để lại “dấu vết” và được lưu trữ mãi mãi)
- Không thể làm giả, cũng như phá huỷ các chuỗi Blockchain
- Bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong Blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối
- Minh bạch: Mọi người đều có thể theo dõi dữ liệu trong Blockchain
- Hợp đồng thông minh: Là hợp đồng kỹ thuật số cho phép chúng “tự động thực thi” mà không cần sự tham gia của một bên thứ ba nào khác.
Phân Loại Blockchain
Blockchain được phân loại như sau:
- Blockchain Công khai – Public Blockchain: Còn gọi là Blockchain phi tập trung (Decentralized Blockchain), là một nền tảng trong đó bất kỳ ai cũng có thể xem, đọc, gửi các giao dịch và tham gia quá trình đồng thuận.
- Blockchain riêng tư – Private Blockchain: Hay Blockchain tập trung (Centralized Blockchain), quyền viết được giữ ở trung tâm của một tổ chức, quyền đọc có thể là công khai hoặc bị hạn chế để mở rộng cho các bên liên quan.
- Blockchain liên hợp (Consortium Blockchain): Quá trình đồng thuận được kiểm soát bởi một tập hợp các node được chọn.
Kết Luận
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Blockchain Là Gì? Các Đặc Điểm Của Blockchain. Tuy nhiên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không mang tính chất định hướng trong quyết định đầu tư của bạn. Thông qua bài viết này, DeFiX hy vọng bạn sẽ có thêm các thông tin hữu ích trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư cho những dự án sắp tới.
Chúc bạn thành công!