Web3 hoặc “Web 3.0” – là một thuật ngữ mà bạn có thể đã nghe thấy một vài lần khi tham gia vào thị trường Crypto. Nó chỉ đơn giản đề cập đến sự phát triển tiếp theo của internet nhằm thúc đẩy các giao thức phi tập trung và nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn như Youtube, Netflix và Amazon.
Nhưng Web3 cụ thể là gì? Và tại sao nó lại trở thành chủ đề để bàn tán dạo gần đây. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
Sự hình thành của Web
Để hiểu rõ Web3 là gì, trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu lịch sử của các web:
Web 1.0
Web 1.0 đề cập đến internet của những năm 1990 và đầu những năm 2000. Đó là internet của các trang tin và các cổng thông tin đầu tiên như AOL và CompuServe. Hầu hết những gì mọi người đã làm trên Web1 là thụ động đọc các trang tin web tĩnh, không tương tác được với nội dung mình đang đọc, và phần lớn trong số đó được xây dựng bằng cách sử dụng “giao thức mở” như HTTP, SMTP và FTP.
Web 2.0
Web 2.0 là giai đoạn tiếp theo của Internet, bắt đầu từ khoảng năm 2005 – nhiều nền tảng phát triển web mới như blog, wordpress hay wiki ngày càng được ưa chuộng. Nơi mọi thứ được chia sẻ nhiều hơn là “tuyên bố”. Mọi người bắt đầu tạo và đăng nội dung của riêng họ, tích cực tham gia vào internet hơn là đọc nó một cách thụ động. Các trang web dần mang tính chất xã hội hơn, thân thiện hơn.
Giai đoạn tiếp theo của Web2 được đặc trưng bởi các phương tiện truyền thông xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter và YouTube. Người dùng chuyển dần từ các trang chia sẻ truyền thống như blog sang các trang mạng xã hội vì tính thuận tiện, giao diện đẹp hơn và khả năng tương tác dễ dàng của nó.
Nhưng hầu hết hoạt động đó cuối cùng lại được phân phối và kiếm tiền bởi các công ty lớn, những công ty này chiếm trọn tiền và quyền kiểm soát người dùng.
Mặc dù ngày nay các trang mạng xã hội đã xuất hiện các mục sáng tạo nội dung để kiếm tiền, người dùng có thể trở thành những Creators, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế về bảo mật thông tin khiến Web2 khó có thể phát triển.
Web 3.0
Từ đó Web 3.0 được sinh ra với mục đích sẽ thay thế các nền tảng tập trung bằng các giao thức mở và mạng phi tập trung, do cộng đồng điều hành, kết hợp cơ sở hạ tầng mở của web1 với sự tham gia của công chúng ở web2.
Với Web 3.0, quyền lực được đưa về tay người dùng, bản thân người dùng chính là người sở hữu (owners) cho thông tin của mình và không thể bị can thiệp bởi bất kỳ ai. Việc không phải chịu những hạn chế của Web 2.0 cũng là tiền đề để mở ra một kỉ nguyên mới khi người dùng có thể chuyển giao giá trị trên Web một cách tự do và không cần quá nhiều yếu tố về lòng tin.
Những tính năng đặc biệt của web 3.0
- Semantic web: Đây là web nâng cao mà trong đó tất cả các nội dung sẽ được phân tích dựa trên ý nghĩa của từ ngữ.
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Những thông tin sẽ được tiếp nhận và xử lý một cách chính xác, độ thấu hiểu của công nghệ như con người để tất cả những kết quả mang lại là chính xác nhất.
- Đồ hoạ 3D: Với web 3.0 các thiết kế 3D sẽ được ứng dụng nhiều hơn đặc biệt là trong các trang web dịch vụ để khách hàng có cái nhìn khái quát, sống động.
- Kết nối: Tất cả các thông tin sẽ được kết nối với siêu dữ liệu giúp khách hàng có thể tìm kiếm tiếp nhận thông tin một cách chính xác nhất.
- Linh động: Người truy cập có thể linh động kết nối và truy cập nội dung ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào.
- Verifiable: Tất thông tin đều được minh bạch, có thể xác nhận on-chain.
- Loại bỏ sự không tin tưởng và không cho phép: Bất cứ ai cũng có thể tham gia web 3.0.
- Tính cá nhân: Đề cao người dùng và người dùng có quyền quản lý và sử dụng tất cả thông tin và tài sản của mình.
Lợi ích của Web3
Quyền sở hữu
Web3 cung cấp cho bạn quyền sở hữu tài sản kỹ thuật số của chính mình.
Ví dụ: Giả sử bạn đang chơi một trò chơi web2. Nếu bạn mua một vật phẩm trong trò chơi, vật phẩm đó sẽ được liên kết trực tiếp với tài khoản của bạn. Nếu người tạo trò chơi xóa tài khoản của bạn, bạn sẽ mất những vật phẩm này. Hoặc, nếu bạn ngừng chơi trò chơi, bạn sẽ mất giá trị mà bạn đã đầu tư vào các vật phẩm trong trò chơi của mình.
Web3 cho phép quyền sở hữu trực tiếp thông qua các token không thể thay thế (NFT). Không ai, ngay cả những người tạo ra trò chơi, có quyền tước đoạt quyền sở hữu của bạn. Và, nếu bạn ngừng chơi, bạn có thể bán hoặc trao đổi các vật phẩm trong trò chơi của mình trên các Open Market và thu lại giá trị của chúng.
Chống kiểm duyệt
OnlyFans là trang web có nội dung người lớn do người dùng tạo với hơn 1 triệu người sáng tạo nội dung, nhiều người trong số họ sử dụng nền tảng này làm nguồn thu nhập chính của họ.
Vào tháng 8 năm 2021, OnlyFans thông báo kế hoạch cấm nội dung khiêu dâm. Thông báo đã gây ra sự phẫn nộ cho những Creator, những nhà sáng tạo cảm thấy họ đang bị cướp đi nguồn thu nhập trên nền tảng mà chính họ đã cung cấp nội dung.
Sau phản ứng dữ dội, quyết định nhanh chóng bị đảo ngược. Mặc dù những nhà sáng tạo chiến thắng trong trận chiến này, nhưng điều đó làm nổi bật một vấn đề đối với Web 2.0: Bạn sẽ mất danh tiếng và số lượt theo dõi bạn đã tích lũy nếu bạn rời khỏi nền tảng.
Trên Web3, dữ liệu của bạn được lưu trên blockchain. Khi bạn quyết định rời khỏi một nền tảng, bạn có thể mang theo danh tiếng của mình, mang qua một nền tảng khác phù hợp hơn với bản thân.
Phân quyền
Quyền lực được phân phối cho người dùng và các quyết định sẽ được đưa ra và thực hiện bởi các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Tất cả đều không thể bị kiểm soát bởi một bên tổ chức tập trung nào đó.
Thông tin cá nhân ẩn danh
Tất cả những thông tin, dữ liệu của khách hàng sẽ được ghi lại trong blockchain, web 3.0 sẽ giúp người truy cập có thể sử dụng được dữ liệu của mình trên toàn bộ hệ thống các website chỉ bằng tài khoản duy nhất.
Nếu không có sự cho phép của người dùng, không công ty nào có thể truy cập dữ liệu của họ hoặc xác minh tính chính xác của nó. Tuy nhiên, người dùng có quyền lựa chọn chia sẻ hồ sơ của họ và bán dữ liệu của họ cho các nhà quảng cáo hoặc thương hiệu.
Không hạn chế nền tảng
Vì tất cả mọi người đều có thể truy cập mạng blockchain nên người dùng có thể tạo địa chỉ của riêng họ hoặc tương tác với mạng. Người dùng không thể bị hạn chế trên mạng này dựa trên giới tính, thu nhập, vị trí địa lý hoặc các yếu tố xã hội học của họ. Tính năng này sẽ giúp người dùng dễ dàng chuyển tài sản hoặc của cải của họ đến bất kỳ đâu trên toàn thế giới một cách nhanh chóng.
Hạn chế của Web3
- Phụ thuộc cơ sở hạ tầng tập trung: Hệ sinh thái Web3 đang phát triển nhanh chóng tuy nhiên còn non trẻ. Do đó, nó hiện phụ thuộc chủ yếu vào cơ sở hạ tầng tập trung (GitHub, Twitter, Discord, v.v.). Nhiều công ty Web3 đang gấp rút lấp đầy những khoảng trống này, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, đáng tin cậy cần có thời gian
- Chưa sẵn sàng cho việc áp dụng rộng rãi: Công nghệ Web3 ngày càng thông minh, hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để áp dụng rộng rãi. Cần nhiều nghiên cứu về tiến bộ công nghệ, luật bảo mật và sử dụng dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
- Thời gian xử lý lâu: Dữ liệu trên blockchain khó xoá bỏ vậy nên rất dễ dẫn đến tình trạng các dữ liệu rác bị tồn đọng lại, ảnh hưởng đến dung lượng và tốn rất nhiều thời gian để xử lý
- Rào cản kỹ thuật: Rào cản kỹ thuật đối với việc sử dụng Web3 hiện quá cao. Người dùng phải hiểu các mối quan tâm về bảo mật, hiểu tài liệu kỹ thuật phức tạp và điều hướng các giao diện người dùng không trực quan.
- Tính tích hợp: Các ứng dụng hầu hết được build độc lập chứ không được tích hợp với các ứng dụng phổ biến và quen thuộc của Web 2.0, làm giảm tính tiếp cận đến với người dùng.
- Chi phí: Chi phí để phát triển một dự án là rất đắt đỏ, những dapps thường gặp khó khăn trong việc đưa code lên blockchain vì phí gas của Ethereum hay chi phí phải bỏ ra trong việc audit cũng rất cao.
Kết luận
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về hành trình phát triển của Web và dự đoán về những điều Web 3.0 sẽ mang lại trong tương lai. DeFiX hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về Web3. Nếu trong bài viết có bất kỳ sai sót hay chi tiết nào bạn muốn góp ý để chúng tôi hoàn thiện hơn, hãy bình luận phía dưới để được hỗ trợ nhé.