Có đến 94% chủ nợ của FTX, chiếm 6,83 tỷ USD tài sản yêu cầu bồi thường, đã đồng ý với kế hoạch hoàn trả tiền của sàn.
Theo phán quyết đưa ra vào ngày 07/10 (giờ Mỹ), Thẩm phán John Dorsey của Tòa án Phá sản Quận Delaware ở Mỹ đã đồng ý phê duyệt kế hoạch bồi thường tài sản của FTX, với 98% chủ nợ và người dùng bị thiệt hại sẽ nhận được đến 118% lượng tài sản yêu cầu hoàn trả.
Kế hoạch này trước đó cũng nhận được dự tán thành của đến 94% chủ nợ và khách hàng FTX, những người chiếm đến 6,83 tỷ USD tiền yêu cầu sàn bồi thường.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những ý kiến chỉ trích, cụ thể đến từ đại diện Sunil Kavuri của nhóm chủ nợ FTX, người tiếp tục phản đối kế hoạch. Nguyên nhân là bởi FTX tính giá trị tài sản của người dùng ở thời điểm sàn phá sản vào tháng 11/2022, sau đó quy ra tiền mặt và trả cho người bị thiệt hại. Điều đó gây bất lợi cho nhà đầu tư bởi giá các nhiều đồng tiền mã hóa hiện đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm FTX sụp đổ. Trong khi đó, giá trị tài sản mà FTX báo cáo khôi phục lại tính theo giá trị thị trường, gây hiểu nhầm lớn rằng sàn đã lấy lại được nhiều hơn lượng tài sản thâm hụt khi xưa.
Ngoài ra, chủ nợ FTX còn có thể bị tính thuế theo luật của Mỹ nếu nhận bồi thường bằng tiền mặt, thay vì crypto.
Mặc dù vậy, tòa án vẫn chưa ấn định khung thời gian bắt đầu quá trình hoàn trả tài sản.
Bên cạnh đó, kế hoạch khởi động lại sàn FTX, được truyền thông gọi với cái tên “FTX 2.0”, tiếp tục đi vào ngõ cụt khi không tìm được nhà đầu tư nào có đủ nguồn lực cho dự án này. Trong năm 2023, đơn vị phá sản tiếp quản FTX đã nhiều lần tìm đến những bên quan tâm để có thể mở cửa trở lại FTX, khẳng định công nghệ của sàn là đủ tốt để nối lại hoạt động và tạo thêm nguồn thu.
Thẩm phán Dorsey cũng bác bỏ kiến nghị của những bên bị liên đới trong cú sập FTX như Celsius và LayerZero, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh token FTT không còn giá trị.
Bất chấp điều đó, giá token FTT vẫn tăng mạnh trong những ngày qua lên 3.4 USD, mức giá cao nhất kể từ tháng 1 năm nay.