Tìm hiểu về các vòng gọi vốn trong thị trường tiền mã hoá

Trong thị trường tiền điện tử, có nhiều vòng gọi vốn khác nhau dành cho các công ty khởi nghiệp. Theo đó, mỗi vòng gọi vốn đều có một ý nghĩa nhất định, ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án. Vì vậy, hôm nay DeFiX.Network sẽ cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản liên quan tới các vòng gọi vốn của các dự án tiền mã hóa trong bài viết này.

Thực trạng việc gọi vốn của các dự án tiền mã hóa

Để một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền mã hóa biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực thì cần có nhiều yếu tố cùng đóng góp. Và quan trọng trong số đó, không thể không kể đến nguồn vốn. Các Startup công nghệ thường sử dụng một số cách để duy trì nguồn vốn vận hành, bao gồm: Founder chung vốn lại với nhau, vay mượn ngân hàng, kêu gọi vốn từ nhà đầu tư,… 

Thực tế, ngày càng có nhiều quỹ đầu tư đổ tiền vào các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Crypto. Theo số liệu tổng hợp từ CB Insights, các công ty khởi nghiệp về blockchain và tiền mã hóa đã có một năm 2021 bùng nổ. Theo đó, các dự án đã huy động được hơn 15 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2021, gần gấp 5 lần tổng đầu tư của năm 2020. Điều đó cho thấy thị trường tiền mã hóa đang thu hút được những tín hiệu đầu tư tích cực và sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai.

Việc hiểu được ý nghĩa các vòng đầu tư trong một dự án Crypto sẽ giúp chúng ta nắm được phần nào chiến lược đầu tư của những “cá mập” trong thị trường tiền mã hóa. 

Các vòng gọi vốn thường gặp của một dự án tiền mã hóa

Pre-seed Round

Vòng tiền hạt giống là giai đoạn huy động vốn đầu tiên của một startup. Đây là giai đoạn nảy ra ý tưởng và thành lập công ty. Khi đó các quỹ và nhà đầu tư sẽ bắt đầu thử nghiệm và khám phá thị trường. Thông thường, đây là vòng gọi vốn các Angel Investor (Nhà đầu tư Thiên thần), hay người thân hoặc bạn bè của người Founder.

Seed Round

Vòng hạt giống là giai đoạn mà khi các startup đã có sản phẩm mẫu (prototype) hoặc/và đã bán được vài đơn hàng, lúc này startup rất cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh. Đứng sau các vòng gọi vốn này thường là nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), các quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ (micro Venture Capital), và quỹ tăng tốc (Accelerator Capital). Số tiền đầu tư ở vòng này dao động 10.000-100.000 USD. Vòng này nếu chỉ nhận vốn từ các Angel thì có thể gọi là Angel round

Các vòng đầu tư cơ bản

Series A

Series A là khi công ty startup bắt đầu mở rộng hoạt động hoặc tăng trưởng nhanh (doanh thu và khách hàng đã ổn định ở 1 mức độ cụ thể), các nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào những dữ liệu thực tế để xem xét tiềm năng để dự án có thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền có giá trị hay không.

Vòng series A thường là sự tham gia của các nhà đầu tư mạo hiểm và thiên thần. Nếu đã có mặt trước đó, nhà đầu tư sẽ xem xét nguồn vốn họ bỏ ra đã được sử dụng như thế nào và liệu lần đầu tư này có tốt cho nguồn quỹ của họ. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vòng này là các công ty tư nhân, công ty gia đình, quỹ phòng hộ hay các liên doanh.

Series B

Ở vòng series B, startup tìm kiếm sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Số tiền trong giai đoạn này dùng để xây dựng công ty dựa trên những thành công hiện có, với việc mở rộng đội ngũ, không gian địa lý để khám phá các thị trường mới và nhìn chung là mở rộng về mặt quy mô.

Số tiền huy động được ở vòng này có thể lên đến hàng chục triệu USD. Các nhà đầu tư thường chọn lựa kỹ lưỡng để tạo bước nhảy vọt cho startup. Các quyết định mua lại có thể bắt đầu được đặt trong tầm ngắm tiềm năng với các nhà đầu tư.

Series C

Nếu đi đến vòng này, startup thực sự đã bước đến thời điểm quan trọng, bắt đầu tìm cách chiếm lĩnh thị trường và giành thị phần. Giá trị startup lúc này có thể đạt giá trị trên 100 triệu USD và có thể gọi đến 50 triệu USD hoặc thậm chí là 1 tỷ USD ở series C.

Từ thời điểm này, startup có thể bước vào một cuộc chạy nước rút, gia tăng thị phần và vị trí trên thị trường. Cũng có khả năng lớn là startup sẽ nhận được những lời đề nghị mua lại mang tính chiến lược. Việc này có thể đến từ chiêu mộ tài năng, loại bỏ cạnh tranh về người dùng và vị trí địa lý hoặc kết hợp nhiều công ty lại với nhau.

Lúc này, startup sẽ làm việc với các hãng đầu tư lớn nhất hoặc thậm chí là các nhà đầu tư của các tập đoàn. Tuy nhiên, đây cũng có thể là vòng gọi vốn khó khăn nhất với các nhà sáng lập bởi nhà đầu tư sẽ đòi hỏi nhiều hơn và trông đợi một quy trình thẩm định tích cực hơn.

Strategic Round

Strategic Round (Vòng gọi vốn chiến lược) là vòng gọi vốn khi các dự án tiền mã hóa, blockchain… đã hoàn thiện sản phẩm và có chiến lược tiếp cận thị trường cụ thể. Số vốn huy động thường sẽ được sử dụng cho việc triển khai kế hoạch quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường và xây dựng cộng đồng.

Private Sale

Private Sale được biết là việc bán coin hoặc token cho những nhà đầu tư cụ thể. Hình thức bán này sẽ không công khai và không được báo trước. Các công ty tiền mã hóa, blockchain… sẽ tổ chức những đợt Private Sale cho những nhà đầu tư đã được lựa chọn sẵn. Mục đích cuối cùng là thu hút nhà đầu tư nổi bật tài trợ cho dự án để đổi lấy những đồng tiền mã hóa có khả năng mang lại lợi nhuận cao trong tương lai.

Public Sale

Trong thế giới tiền mã hóa, Public Sale là thuật ngữ được sử dụng khi một công ty, dự án cung cấp token hoặc coin cho công chúng trước khi token hoặc coin ấy được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. 

Các hình thức huy động vốn phổ biến của Public Sale, bao gồm: ICO, IEO, IDO và ILO. Vòng Public Sale không chỉ nhằm mục đích kêu gọi vốn mà còn giúp dự án mở rộng đến cộng đồng.

Khác với các vòng đầu tư trước, vòng mở bán Public Sale sẽ được thông báo công khai. Trong vòng gọi vốn này, các nhà đầu tư đều được quyền tham gia. Tuy vậy, dự án sẽ giới hạn một lượng người nhất định có thể mua token. Đồng thời mỗi nhà đầu tư cũng chỉ được mua token hoặc coin với một khoản tiền giới hạn,  thường dao động trong khoảng 100 USD – 1000 USD. 

Đánh giá ưu, nhược điểm của các vòng gọi vốn

Các vòng gọi vốn Early Stage

Ưu điểm

Với các vòng Early Stage như Seed Round, Strategic Round và Private Sale, nhà đầu tư đã đánh cược niềm tin và khả năng đánh giá của mình để đổi lấy cơ hội kiếm được lợi nhuận vượt trội.

Do đó, ưu điểm của các vòng đầu tư này chính là lợi nhuận lớn. Nhìn chung, đã có nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm lần khi mua token từ các vòng Early Stage, trước lúc dự án được listing lên sàn giao dịch.

Nhược điểm

Nhược điểm của các vòng đầu tư này chính là tính rủi ro. Khi nhà đầu tư quyết định “đổ tiền” vào một dự án ở giai đoạn đầu như trong các vòng Seed Round hay Strategic Round, họ phải chịu những rủi ro lớn hơn nhiều so với thời điểm dự án thành hình. Tuy nhiên, nhà đầu tư trong giai đoạn này thường là các quỹ đầu tư lớn với đội ngũ nhân sự chất lượng. Do đó, họ có thể sử dụng khả năng phân tích để đánh giá dự án và quản trị rủi ro.

Một nhược điểm nữa của vòng đầu tư trong giai đoạn đầu này là không dành cho số đông. Thường chỉ có các quỹ đầu tư lớn hoặc các đối tác, cố vấn, những người có thể giúp đỡ dự án phát triển mới nhận được quyền đầu tư. 

Thêm vào đó, việc đầu tư từ vòng Early Stage sẽ có tính thanh khoản thấp do nhiều dự án quy định việc trả token theo từng giai đoạn khác nhau. Điều này nhằm mục đích tránh những đợt xả mạnh token, khiến giá giảm đột ngột gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của dự án.

Chính vì lý do đó, nhà đầu tư sẽ phải chờ đợi một khoảng thời gian khá dài (tùy vào lịch trả token của dự án) thì mới có thể nhận hết token tại các vòng đầu tư.

Vòng gọi vốn Public Sale

Ưu điểm

Ưu điểm của vòng Public Sale chính là việc nhiều người có thể tham gia vào việc mua, sở hữu token của dự án. Và nếu đó là một dự án tiềm năng thì mức giá mua được ở vòng Public Sale cũng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm token được listing trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Có thể xem đây là cơ hội thay đổi vị thế cho những nhà giao dịch nhỏ lẻ.

Nhược điểm

Mặc dù vòng gọi vốn Public Sale dành cho tất cả mọi nhà đầu tư quan tâm đến dự án tuy nhiên sẽ có giới hạn số lượng người mua. Điều này sẽ khiến mức độ cạnh tranh để có tấm vé may mắn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Kết luận

Hy vọng qua bài viết của DeFiX.Network sẽ giúp cho mọi người có thêm thông tin bổ ích về các vòng đầu tư cơ bản nhất trong một dự án tiền mã hóa nói chung. Hiểu được sự khác biệt giữa những vòng huy động vốn này sẽ giúp bạn giải mã và đánh giá triển vọng của dự án. Qua đó, nắm bắt rõ hơn về chiến lược đầu tư của những tổ chức lớn thông qua các vòng đầu tư.

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ, hướng dẫn tiếp theo. Chúc các bạn đầu tư thành công!

Michael: