Syria đề xuất hợp pháp hóa Bitcoin để tái thiết kinh tế

Để kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Syria đang kêu gọi chính phủ nước này công nhận Bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác.

Sau 13 năm nội chiến, Syria đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp khôi phục kinh tế và ổn định đất nước. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Syria (SCER) đã đưa ra một sáng kiến táo bạo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài.

SCER đã soạn thảo một đề xuất dành cho chính phủ chuyển tiếp, khuyến nghị hợp pháp hóa Bitcoin và số hóa đồng bảng Syria (Syrian pound). Mục tiêu của kế hoạch này bao gồm:

  • Kiểm soát lạm phát: Giảm siêu lạm phát và ổn định đồng nội tệ.
  • Thu hút đầu tư nước ngoài: Khai thông dòng vốn quốc tế chảy vào nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá.
  • Xây dựng nền kinh tế số: Phát triển hệ thống ngân hàng tập trung và phi tập trung trên toàn quốc.

Đề xuất cũng bao gồm thiết lập khung pháp lý để hợp pháp hóa việc trao đổi, giao dịch và khai thác Bitcoin cũng như các tài sản kỹ thuật số khác, theo cả tiêu chuẩn quốc tế và địa phương. Đồng bảng Syria sẽ được số hóa thông qua blockchain, bảo chứng bằng các tài sản thanh khoản như vàng và dự trữ quốc gia khác, dưới sự giám sát của ngân hàng trung ương.

Ngoài ra, sáng kiến này còn hướng đến việc hỗ trợ giới doanh nhân, thúc đẩy quyền sở hữu tài sản cá nhân, và khuyến khích startup phát triển dịch vụ liên quan đến blockchain. Nếu thành công, kế hoạch có thể tăng tính bảo mật, minh bạch trong giao dịch, hỗ trợ kiều hối xuyên biên giới và thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử.

Dù hứa hẹn, sáng kiến này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như:

  • Thiếu hạ tầng công nghệ.
  • Nhận thức của công chúng còn hạn chế về công nghệ blockchain và tiền mã hóa.
  • Rào cản địa chính trị kéo dài.

SCER cũng làm rõ rằng, chính phủ chuyển tiếp chưa phê duyệt hay xem xét đề xuất này, và họ không kỳ vọng điều đó sẽ sớm xảy ra, do cần ưu tiên nhiều vấn đề cấp bách hơn. Đồng thời, SCER khẳng định sáng kiến này không nhằm lách lệnh trừng phạt quốc tế, mà kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp cấm vận này thông qua các quy trình pháp lý và chính trị phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bên cạnh sáng kiến của SCER, tân Ngoại trưởng Syria, Asaad Hassan al-Shibani, cũng đang tích cực kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt quốc tế. Chỉ vài tuần sau khi Bashar al-Assad bị lật đổ, al-Shibani đã nhấn mạnh mục tiêu của chính quyền chuyển tiếp trong việc ổn định đất nước cũng như hợp tác với các đối tác khu vực và toàn cầu.

Ông lập luận các lệnh trừng phạt, ban đầu được áp đặt để gây áp lực lên chế độ Assad, đã mất đi tính cần thiết. Giờ đây chế độ này đã bị lật đổ và hàng nghìn tù nhân chính trị được phóng thích, thì các biện pháp trừng phạt hiện tại chỉ làm cản trở sự phục hồi kinh tế và gây hại cho người dân thường.

Sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Assad không chỉ vẽ lại bản đồ Syria mà còn đang thay đổi cục diện địa chính trị Trung Đông. Syria từ lâu đã giữ vị trí quan trọng đối với nhiều cường quốc, trong đó phải kể đến Nga và Iran. Cả hai quốc gia này đều có nền kinh tế tiền mã hóa phát triển, nhưng vai trò của họ trong quá trình phục hồi kinh tế của Syria vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon đã sớm áp dụng tiền mã hóa để đối phó với các vấn đề kinh tế của riêng họ, mở ra cơ hội hợp tác khu vực hoặc thậm chí là cạnh tranh.

Tuan Anh: