Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về Take Profit. Hôm nay, DeFiX.Network sẽ cùng các nhà đầu tư đi sâu vào tìm hiểu về Stop Loss, kinh nghiệm đặt Stop Loss mà bất kỳ trader nào cũng cần nắm bắt để bào toàn vốn.
Stop Loss là gì?
Định nghĩa
Stop Loss viết tắt là SL – Cắt lỗ cho phép bạn giảm thiểu lỗ bằng cách tự động đóng lỗ một vị thế nếu giá của tài sản đạt đến mức giá được chỉ định trong lệnh Cắt lỗ của bạn.
Cách đặt lệnh
- Đối với lệnh Buy: Giá Stop Loss phải thấp hơn giá Entry
- Đối với lệnh Sell: Giá Stop Loss phải cao hơn giá Entry
Trader không nên đặt lệnh Stop Loss quá gần điểm Entry tránh trường hợp thị trường biến động mạnh, quét mất Stop Loss của mình
Tại sao cần phải đặt Stop Loss?
Việc đặt cắt lỗ vô cùng quan trọng mà trader không nên bỏ qua trong các giao dịch của mình. Nếu bạn băn khoăn không biết tại sao phải đặt cắt lỗ thì hãy tham khảo ý nghĩa của việc đặt stop loss sau đây.
Tránh việc bị lỗ quá nhiều
Thị trường Crypto luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không ai mong muốn mình bị thua lỗ quá nhiều trong trường hợp dự đoán sai xu hướng. Do đó, nếu không đặt stop loss, khi thị trường biến động mạnh rất dễ dẫn đến tình trạng cháy tài khoản. Việc đặt stop loss sẽ giúp trader giới hạn mức rủi ro tối đa mà mình có thể chấp nhận được dù cho thị trường có biến động mạnh cỡ nào đi chăng nữa.
Kiểm soát tâm lý giao dịch
Hầu hết các nhà đầu tư đều có tư tưởng “gồng lỗ”, mặc dù giá đã đi ngược xu hướng nhưng họ vẫn muốn duy trì lệnh thêm một thời gian nữa, bởi họ luôn hi vọng biết đâu giá sẽ quay đầu và di chuyển theo đúng hướng dự đoán ban đầu. Điều này dẫn đến các khoản lỗ ngày càng nhiều. Nhưng khi đặt SL, điểm cắt lỗ đã được cài đặt sẵn, trader sẽ không bị chi phối bởi tâm lý khi giao dịch.
Quản lý lệnh tự động
Không phải trader nào cũng có thời gian theo dõi thị trường liên tục để cắt lỗ hay chốt lời kịp thời. Stop Loss chính là giải pháp giúp trader đóng lệnh và giảm thiểu thua lỗ khi thị trường đi ngược hướng vào lệnh ban đầu ngay cả khi đang offline và tài khoản vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ưu & Nhược điểm của Stop Loss
Ưu điểm
- Quản lý tự động & tiết kiệm thời gian
- Giảm thiểu rủi ro tâm lý
- Quản lý nguồn vốn hiệu quả
Nhược điểm
- Lệnh có thể không được thực hiện
- Tạo tâm lý tiếc nuối nếu như giá chạm mức Stop loss và bất ngờ đảo chiều
Chiến lược để Stop Loss hiệu quả
Đặt Stop Loss theo % của vị thế:
Phương pháp này khá đơn giản, không phải dùng kỹ thuật gì. Bởi bạn chỉ cần xác % lỗ cho phép là được và cần thực hiện đúng nguyên tắc mà mình đặt ra.
Ví dụ bạn cho phép mỗi giao dịch lỗ 4% và vị thế bạn tạo ra khoảng 1.000 USD. Trường hợp giá giảm xuống 4% ~ 40 USD thì lệnh cắt lỗ Stop Loss sẽ được thực thi.
Đặt Stop Loss bằng đường Bollinger Band
Chỉ báo Bollinger Band không chỉ giúp bạn tìm được điểm mua thích hợp, mà còn xác định được điểm dừng lỗ hiệu quả đấy nhé. Cấu tạo đường Bollinger Band gồm 3 phần:
- Đường Middle Band (dải giữa): Đường trung bình động SMA 20.
- Đường Upper Band (dải trên): Dải giữa cộng với 2 độ lệch chuẩn (Standard deviation)
- Đường Lower Band (dải dưới): Dải giữa trừ đi 2 độ lệch chuẩn (Standard deviation)
Bạn theo dõi biến động giá, nếu giá chạy xuống dưới đường giữa, thì bạn có thể đặt lệnh Stop Loss. Tuy nhiên, bạn nên đợi cây nến thứ 2 vượt qua hẳn đường dải giữa thì bạn mới nên chốt lệnh nhé. Bởi nhiều trường hợp, giá chạm vào đường Middle Band giá sẽ bật lên trở lại.
Lưu ý khi đặt Stop Loss
Việc đặt SL là điều vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên một giao dịch thành công cho trader. Dưới đây là những sai lầm cần tránh khi đặt Stop Loss mà trader nên lưu ý:
Đặt Stop Loss quá gần
Đặt SL gần có thể giúp trader thua lỗ ít hơn nếu chẳng may thị trường đi ngược xu hướng dự đoán. Tuy nhiên, khi đặt SL quá gần sẽ dẫn đến trường hợp lệnh của bạn bị quét sớm trước khi giá chính thức đi đúng như hướng kỳ vọng.
Có nhiều trường hợp giá vừa chạm SL, ngay lập tức chuyển hướng ngược lại, khiến nhà đầu tư mất một khoản lợi nhuận đáng kể. Vì vậy hãy đặt SL vừa đủ, dựa trên những vùng tranh chấp giá quan trọng của bên mua và bên bán để tránh bỏ lỡ cơ hội hay buộc phải dừng cuộc chơi sớm trong tiếc nuối.
Đặt Stop Loss quá xa
Ngược lại với sai lầm đặt SL quá gần thì đặt quá xa và không có điểm tựa cũng vô cùng rủi ro. Nhiều trader nghĩ rằng việc đặt SL xa sẽ không bị quét SL nhưng nếu dự đoán sai hướng thì stop loss chỉ khiến bạn gồng lỗ nặng hơn và thiệt hại hơn.
Dời, thả Stop Loss
Khi trader quá tin và nhận định của mình, nên khi giá đi ngược so với kỳ vọng thì sẽ có động thái dời SL để tránh bị quét, đặc biệt khi hành động giá di chuyển sát đến điểm đặt SL. Điều này là cực kỳ nguy hiểm và chỉ khiến trader thua lỗ thêm mà thôi.
Kết luận
Trên đây là những thông tin kiến thức về Stop Loss – một trong hai lệnh quan trọng khi thiết lập các lệnh giao dịch mới. Mong rằng có thể giúp trader hiểu rõ Stop Loss là gì, tầm quan trọng của việc đặt cắt lỗ bảo toàn vốn và cách sử dụng SL sao cho hiệu quả nhất.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ tiếp theo của DeFiX.Network. Chúc các bạn đầu tư thành công!