Smart Contract (Hợp đồng thông minh) là gì? Chi tiết về các Smart Contract

Các hợp đồng thông minh được tạo ra song song với sự phát triển của công nghệ blockchain, và trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là gì?

Các hợp đồng thông minh (Smart Contract) là các hợp đồng dưới dạng code, được thiết kế để thực hiện các điều khoản có sẵn mà người tạo ra chúng đưa ra. Các hợp đồng thông minh có thể được hình thành trên giao dịch giữa người dùng mà không phụ thuộc vào một bên trung gian thứ ba.

Ngoài ra, chúng là yếu tố cốt lõi trong cơ chế hoạt động của các ứng dụng phi tập trung trên một nền tảng blockchain. Hiểu đơn giản như sau, đằng sau giao diện của các ứng dụng trong một thiết bị di động, các thiết bị này đang thực hiện theo một loạt các chỉ dẫn nhất định, được đưa ra bởi người tạo ra các ứng dụng đó.  Hợp đồng thông minh cũng thực hiện chức năng tương tự như các chỉ dẫn này. 

Lịch sử của hợp đồng thông minh

Các smart contract có nguồn gốc từ hoạt động lập trình các câu lệnh if/else các câu lệnh có điều kiện khác để có thể tự động trình bày kết quả dựa trên thông tin mà lập trình viên cung cấp. 

Thuật ngữ “hợp đồng thông minh” xuất hiện lần đầu vào thập niên 90, trong một bài báo khoa học của tác giả Nick Szabo – một nhà khoa học máy tính và nhà mật mã học nổi tiếng. Được biết, ông Szabo là người chịu trách nhiệm phát triển đồng tiền mã hóa Bit Gold – một trong những tiền thân của đồng Bitcoin nổi tiếng. 

Theo ông, các hợp đồng thông minh ban đầu có những mục đích cơ bản như làm giảm các hoạt động gian lận tài chính, và tự động hóa việc thực thi các điều khoản hợp đồng. 

Nhưng sau đó, trong bài báo khoa học của ông Szabo vào năm 1996, ứng dụng của hợp đồng thông minh còn được mở rộng ra hơn thế nữa, khi có thể áp dụng vào tiền tệ, các tài sản kỹ thuật số và các lĩnh vực khác. 

Ethereum là nền tảng blockchain đầu tiên tích hợp chương trình smart contract, sử dụng ngôn ngữ lập trình Turing Complete để đưa ra các điều khoản mang tính logic và phức tạp. Cho đến nay, đây được cho là nền tảng ứng dụng hợp đồng thông minh thành công nhất với hàng nghìn ứng dụng phi tập trung. Và đây cũng là một ví dụ điển hình để phân tích về smart contract. 

Đặc điểm của hợp đồng thông minh

Các hợp đồng thông minh thừa hưởng những đặc điểm ưu việt của công nghệ blockchain: 

  • Bảo mật: Các hợp đồng thông minh được mã hóa nên việc chỉnh sửa dữ liệu trên hợp đồng là hoàn toàn không thể.
  • Minh bạch: Tất cả người dùng đều có thể nhìn thấy các hợp đồng thông minh và điều khoản của chúng.
  • Tự động: Các hợp đồng thông minh tự động hóa việc thực hiện các điều khoản trong hợp đồng mà không phụ thuộc vào một bên trung gian thứ ba.
  • Ràng buộc: Các bên liên quan sẽ phải thực hiện đúng như những gì được ghi lại trong các điều khoản của hợp đồng.
  • Phân tán: Hợp đồng thông minh được sao chép và phân phối trong tất cả các nút của mạng Ethereum. Đây là một điểm khác biệt so với các giải pháp khác dựa trên các máy chủ tập trung.
  • Có thể tùy chỉnh: Trước khi triển khai, hợp đồng thông minh có thể được mã hóa theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, chúng có thể được sử dụng để tạo ra nhiều loại ứng dụng phi tập trung (Dapp). Điều này là bởi Ethereum là một blockchain có thể được sử dụng để giải quyết bất kỳ vấn đề tính toán nào (Turing complete)
  • Không cần dựa trên sự tin cậy: Hai hoặc nhiều bên của hợp đồng có thể tương tác thông qua hợp đồng thông minh mà không cần biết hoặc tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, công nghệ blockchain đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.

Cách thức hoạt động của hợp đồng thông minh

Thông thường, việc thực hiện các điều khoản trong một hợp đồng giữa các bên liên quan sẽ phải phụ thuộc vào một bên thứ ba uy tín (như ngân hàng). Tuy nhiên, đối với hợp đồng thông minh hai bên trong hợp đồng đều có thể đưa ra các điều khoản mà không cần phải biết về danh tính của nhau. 

Và khi các điều kiện của hợp đồng được thỏa mãn, các điều khoản trong hợp đồng thông minh sẽ tự động được thực thi mà không cần phải dựa vào bất kỳ bên thứ ba nào. 

Trên hệ sinh thái Ethereum, các smart contract chịu trách nhiệm thực thi và quản lý các hoạt động diễn ra trên hệ thống. Không chỉ quản lý các hoạt động tương tác giữa người dùng, các hợp đồng thông minh cũng đóng một vai trò quan trọng đối với việc hình thành cơ chế hoạt động của các ứng dụng và tổ chức phi tập trung trên nền tảng này. 

Các ứng dụng phi tập trung đang sử dụng hợp đồng thông minh như thế nào?

Một giao dịch giữa hai người dùng có thể chỉ cần gói gọn trong 1 hợp đồng thông minh đơn giản. Tuy nhiên, để thực hiện các chức năng phức tạp hơn, các ứng dụng phi tập trung phải sử dụng một loạt các hợp đồng thông minh có liên kết chặt chẽ với nhau. 

Một số ứng dụng phi tập trung nổi bật trong nền tảng Ethereum: 

  • MakerDAO: một ứng dụng phi tập trung DeFi cho phép người dùng vay và cho vay tiền mã hóa mà không cần đến một bên trung gian.
  • Uniswap: một sàn giao dịch tiền mã hóa cho phép người dùng trao đổi các token ERC-20 (các token đạt tiêu chuẩn ERC-20 của Ethereum).
  • Axie Infinity: một trò chơi P2E (play-to-earn – chơi để kiếm tiền) nổi tiếng cho phép người chơi thu thập và tạo ra các quái vật trong game dưới dạng các NFT.
  • Argent: một nền tảng ví thuộc nền tảng Ethereum cho phép người dùng lưu trữ các tài sản kỹ thuật số.

Nhược điểm của hợp đồng thông minh

Chương trình hợp đồng thông minh là một cách để thực thi các thỏa thuận giữa những người dùng trên hệ thống mà không cần đến một bên trung gian uy tín. Thậm chí, các bên trong một hợp đồng cũng không cần thiết phải biết lẫn nhau. Dù có những đặc điểm ưu việt tương tự với hệ thống blockchain, các hợp đồng thông minh cũng có thể có những lỗ hổng nhất định. 

  • Thứ nhất, vì các hợp đồng thông minh là hoàn toàn bất biến trên nhiều nền tảng blockchain. Điều này có nghĩa là, một khi các hợp đồng thông minh được triển khai trên hệ thống, chúng sẽ không thể bị thay đổi hay cập nhật. Và nếu các code trong hợp đồng thông minh có lỗi hay lỗ hổng, kẻ xấu sẽ có thể tấn công vào những nhược điểm đó khiến các ứng dụng phi tập trung hay các nhà đầu tư mất tiền. Trường hợp điển hình nhất là tổ chức tự trị phi tập trung The DAO thuộc nền tảng Ethereum đã bị thất thoát hàng triệu ETH do có sai sót về code trong hợp đồng thông minh của họ.
  • Thứ hai, chi phí triển khai và trình độ triển khai của người dùng trên mạng lưới sẽ yêu cầu rất lớn. Bởi, nếu muốn tạo ra được một hợp đồng chặt chẽ, các lập trình viên phải rất am hiểu về lĩnh vực và các trường hợp có thể xảy ra đối với hợp đồng. Ngoài ra chi phí về cơ sở hạ tầng cho mạng lưới cũng sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
  • Cuối cùng là các rủi ro về tính riêng tư. Do blockchain là dữ liệu công khai do đó, khi bạn để lộ một số thông tin nhạy cảm trên hợp đồng chắc chắn sẽ dẫn đến những trường hợp rắc rối.

Để tạo một Smart Contract cần những gì?

Để tạo nên một Smart Contract, bạn cần phải có những yêu cầu sau đây:

  • Chủ thể hợp đồng: Smart Contract phải được cấp khả năng truy cập đến sản phẩm/dịch vụ liệt kê trong hợp đồng để có thể tự động khóa hay mở khóa chúng.
  • Chữ ký điện tử: Tất cả các bên tham gia vào Smart Contract đều phải đồng ý triển khai thỏa thuận bằng các khóa cá nhân (chữ ký điện tử) của họ.
  • Điều khoản hợp đồng: Điều khoản trong Smart Contract có dạng là một chuỗi các hoạt động. Và các bên tham gia hợp đồng đều phải ký chấp nhận nó.
  • Nền tảng phân quyền: Smart Contract sau khi hoàn tất sẽ được tải lên Blockchain của nền tảng phân quyền tương ứng và được phân phối về cho các node của nền tảng ấy.

Kết luận

Bài viết của DeFiX tới đây là kết thúc. Hi vọng những thông tin này hữu ích với các nhà đầu tư!

Hãy theo dõi DeFiX.Network để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị, mới nhất về thị trường trường tài chính và tiền điện tử nhé.

Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ, hướng dẫn tiếp theo. Chúc các bạn đầu tư thành công!

Michael:

View Comments (0)