Binance muốn tòa án bác bỏ vụ kiện từ SEC, nhưng lại đối mặt với lập trường nghiêm khắc từ thẩm phán chủ tọa.
Ngày 22/01/2024 (giờ Mỹ), phiên điều trần tại tòa án mới nhất giữa Ủy ban Chứng khoán (Mỹ) và đại diện sàn giao dịch tiền mã hóa Binance đã diễn ra. Tại đây, thẩm phán chủ tọa là bà Amy Berman Jackson của Tòa án Quận Columbia (thủ đô Washington) đã lắng nghe những lý lẽ từ các bên để đưa ra quyết định có nên bác bỏ vụ kiện từ SEC nhắm vào Binance hay không.
Hồi tháng 06/2023, SEC đã đâm đơn kiện Binance và cựu CEO Changpeng Zhao với cáo buộc niêm yết các đồng tiền mã hóa bị cơ quan này xem là chứng khoán, gồm BNB. BUSD, SOL, ADA, MATIC, FIL, ATOM, SAND, MANA, ALGO, AXS, COTI. Binance và ông Zhao còn bị cáo buộc có những sai phạm nghiêm trọng trong công tác điều hành sàn.
Dù Binance vào tháng 11 đã đạt thỏa thuận hòa giải với Bộ Tư pháp Mỹ, chấp nhận đóng phạt 4,3 tỷ USD và buộc CEO Changpeng Zhao phải từ chức, thế nhưng Ủy ban Chứng khoán Mỹ vẫn không chấp nhận từ bỏ vụ kiện của mình.
Phần lớn thời gian của phiên điều trần hôm 22/01 đã được dành cho việc đánh giá xem các đồng tiền mã hóa có trong đơn kiện có bị xem là chứng khoán theo như pháp luật Mỹ, cụ thể là Phép thử Howey.
Bất đồng quan điểm về Phép thử Howey
Đại diện của SEC tuyên bố từ trước đến nay ủy ban vẫn đồng nhất trong lập trường về cách phân loại chứng khoán, áp dụng cho cả lĩnh vực tiền mã hóa thông qua Phép thử Howey.
Do vậy, lập trường của SEC cho rằng hai đồng tiền BNB và BUSD do Binance phát hành có đủ yếu tố cần thiết để cấu thành chứng khoán vì đã được sàn quảng bá dưới dạng một kênh đầu tư và mang đến cho người mua kỳ vọng về lợi nhuận.
Luật sư của Binance thì lập luận hoạt động giao dịch BNB và BUSD trên sàn không thể xem là hợp đồng đầu tư nếu như những tài sản ấy không phải là chứng khoán. Tuy nhiên, thẩm phán Amy Berman Jackson lại không đồng tính với cách giải thích ấy.
Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra mâu thuẫn trong phát ngôn của SEC khi ở phiên tòa với Coinbase hồi tuần trước, đại diện của SEC lại cho rằng bản chất token không phải là chứng khoán.
Giao dịch token trên thị trường phái sinh
Một vấn đề khác được hai bên đưa ra tranh luận là liệu hoạt động giao dịch token trên thị trường phái sinh có nên được xem như tương đương với giao dịch bán token giữa sàn với nhà đầu tư. Phía Binance cho rằng token khi được giao dịch trên sàn thì đã mất đi yếu tố “doanh nghiệp chung” theo như phép thử Howey, do đó không thể xem là chứng khoán.
Trong khi đó, SEC thì lại nói nếu một đồng token đã được phân loại là chứng khoán thì cách thức giao dịch nó không còn quan trọng, bởi bản chất thì sẽ luôn là chứng khoán. Ngoài ra, việc tạo lập thị trường phái sinh cho token tiền mã hóa sẽ khiến nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ tăng, càng củng cố lập luận chứng khoán.
Đại diện SEC ở đây khẳng định BUSD, dù là một đồng stablecoin, cũng bị xem là chứng khoán vì được bán cho nhà đầu tư dưới dạng “gói dịch vụ” cùng những sản phẩm khác có thể tiếp cận trên Binance.
SEC nhắc lại phán quyết tháng trước của một tòa án khác, tuyên bố stablecoin UST của Terra là chứng khoán vì nó được bán cho nhà đầu tư để sau đó dùng làm công cụ nhận lãi suất thông qua dự án Anchor Protocol.
Tương tự như phiên điều trần giữa Coinbase và SEC diễn ra cách đây ít ngày, luật sư của Binance cũng sử dụng lý lẽ “major questions doctrine” để yêu cầu thẩm phán bác bỏ vụ kiện của SEC, cho rằng tiền mã hóa chưa được Quốc hội Mỹ làm rõ tình trạng pháp lý và vì vậy SEC đang lạm quyền khi cố đưa ra hành động trấn áp pháp lý.Thẩm phán Amy Berman Jackson vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện.