SEC liên tục có những động thái nhắm vào các sàn giao dịch bằng cáo buộc chứng khoán cùng thông báo Well đầy bất ngờ. Coinbase là một trong những địa chỉ nhận được thông báo Well, sàn giao dịch này đã chủ động đề cập đến khả năng rời Mỹ nếu chính quyền xứ cờ hoa không có những quy định pháp lý cụ thể về lĩnh vực crypto.
Các nước trên thế giới đang nhìn nhận crypto và gắn loại hình này vào những điều luật cụ thể, Mỹ – siêu cường quốc về công nghệ lại đang không cho ngành công nghiệp này được hưởng đặc quyền tương tự. Trong khi các điều luật thuộc MiCA tại EU đã được bỏ phiếu thông qua và rục rịch ra mắt, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) lại cho rằng, Luật Chứng khoán chính là quy định pháp lý về crypto tại quốc gia này.
- Luật Chứng khoán hiện hành bao gồm hầu hết các hoạt động diễn ra trên thị trường crypto. Nếu muốn tiếp cận và bán token cho nhà đầu tư Mỹ, các công ty sẽ cần phải tuân thủ theo Luật Chứng khoán hoặc quy định của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai (CFTC)
- Gary Gensler, Chủ tịch SEC
Coinbase trở thành đầu tàu kêu gọi chính sách pháp lý cụ thể về crypto tại Mỹ
Từ đầu năm đến nay, SEC đã đối đầu với ít nhất 5 sàn giao dịch về những cáo buộc vi phạm Luật Chứng khoán. Gần đây nhất, vụ lùm xùm giữa SEC và Coinbase được đông đảo nhà đầu tư trong cộng đồng quan tâm, vì một bên đại diện cho chính quyền và phía còn lại là doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh tại Mỹ.
Kể từ khi nhận được thông báo Well vào ngày 23/3, Coinbase luôn kiên định với lập trường không khoan nhượng trước SEC. Paul Grewal – Giám đốc pháp lý của Coinbase thường xuyên có những lập luận để chứng minh sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ luôn thiện chí và cố gắng tuân thủ luật pháp tại xứ cờ hoa.
Đặc biệt, tại một hội nghị fintech diễn ra ở London, Brian Armstrong – CEO Coinbase đã đề cập đến khả năng sàn giao dịch này sẽ rời khỏi Mỹ. Trước đó, ông đã bày tỏ sự thất vọng và tiết lộ, Coinbase không hề nhận được bất cứ lập luận hoặc dẫn chứng nào về việc sàn giao dịch vi phạm cáo buộc.
- Coinbase chưa hề nhận được một phản hồi nào từ SEC để chúng tôi có thể làm tốt hơn những điều cần thực hiện. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải kết thúc bằng việc ra tòa để nhận được sự rõ ràng cần có và tạo ra án lệ
- Brian Armstrong, CEO Coinbase
Trong suốt tháng 4, Coinbase đã liên tục làm việc cùng SEC với mong muốn tìm được tiếng nói chung về quy định pháp lý cụ thể dành cho crypto. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Coinbase mà còn liên quan đến cả thị trường crypto nói chung.
Trong một tài liệu được chia sẻ bởi Giám đốc pháp lý của Coinbase có đề cập rằng, bản chất thị trường crypto khác với chứng khoán. Ví dụ như khi xét về tài sản, những coin/token được nhà đầu tư nắm giữ không biến họ trở thành chủ sở hữu của các công ty. Những nhà đầu tư cũng không nhận được cổ tức hay bất cứ lợi nhuận nào từ công ty mà họ sở hữu coin/token.
Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ nhận được tính năng công nghệ trong giao thức được kích hoạt bởi hợp đồng thông minh. Các tính năng này thường được đề cập đến bằng cách sử dụng thuật ngữ mượn từ luật doanh nghiệp (ví dụ: quyền quản trị), nhưng chúng hoàn toàn khác với các quyền pháp lý truyền thống của công ty tại Mỹ.
Dù mới chỉ là một phần nhỏ, nhưng chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa thị trường crypto và chứng khoán. Do đó, những gì phía Coinbase mong mỏi từ SEC, cũng chính là điều nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tại Mỹ cần lúc này. Để gia tăng sức ép lên SEC, nhằm hướng đến khung pháp lý cụ thể dành cho crypto, Coinbase đã đệ đơn lên tòa án để cơ quan này trả lời những câu hỏi mà sàn đặt ra từ tháng 7/2022.
Vào ngày 25/4, Coinbase đã nộp đơn lên tòa để yêu cầu SEC trả lời 50 câu hỏi xoay quanh vấn đề pháp lý với crypto. Ông Grewal cho biết, theo Đạo luật Thủ tục Hành chính, SEC buộc phải trả lời những câu hỏi này trong khoảng thời gian nhất định. Sau 9 tháng trôi qua, Coinbase vẫn chưa nhận được câu trả lời nên quyết định kiện SEC.
- Chúng tôi không yêu cầu tòa hướng dẫn SEC phải phản hồi như thế nào. Chúng tôi chỉ yêu cầu tòa ra lệnh cho SEC giải đáp tất cả thắc mắc đó
- Paul Grewal, Giám đốc Pháp lý Coinbase
Hành động trên của Coinbase không chỉ đưa ra cơ hội giúp công ty gỡ khỏi thế khó về pháp lý, mà còn tạo được thiện cảm cho nhà đầu tư crypto tại Mỹ nói chung và cả thế giới nói riêng. Khi các thông tin về đơn kiện SEC của Coinbase ngập tràn mạng xã hội Twitter, không khó để kiếm được những bình luận hướng về sàn giao dịch này. Điển hình như nhà đầu tư RyanS Adams, anh cho rằng tòa án có thể là nơi khiến SEC phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Jeremy Hogan đánh giá cao nước đi này của Coinbase và cho rằng cách phòng thủ tốt nhất chính là tấn công. Dưới bình luận của tweet này, nhiều người cho rằng đáng lẽ ra Ripple nên có hành động tương tự thay vì tốn rất nhiều tiền bạc và sức lực trong suốt thời gian qua. Nhưng cũng có nhà đầu tư bình luận, cuộc chiến giữa Coinbase và SEC có thể sẽ kéo dài nhiều năm tương tự như Ripple.
Hẳn nhiều nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những câu trả lời đanh thép nhưng có phần trái chiều của SEC trong thời gian tới, khi vị chủ tịch của cơ quan này nổi tiếng với việc đàn áp crypto. Những phát ngôn của ông Gary Gensler luôn là đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng crypto, khi xem xét về tính hợp lý của chúng.
Nếu ông Gensler cùng SEC không nhân nhượng với crypto, khả năng Coinbase bước chân ra khỏi thị trường Mỹ chắc chắn có thể xảy ra. Khi một đầu tàu như Coinbase đã dịch chuyển, liệu làn sóng “di dời” khỏi Mỹ của các công ty crypto có được kích hoạt? Vụ kiện giữa Coinbase và SEC có thể quyết định điều đó.
Liệu ông Gary Gensler sẽ tiếp tục kiên định?
Hình ảnh của Chủ tịch SEC đang xấu đi từng ngày trong mắt nhà đầu tư crypto sau những ồn ào xoay quanh các sàn giao dịch và cáo buộc chứng khoán trong suốt 4 tháng đầu năm 2023. Trong suốt thời gian dài, ông Gary Gensler đã luôn “đóng vai phản diện” với thị trường crypto khi liên tục cáo buộc các loại coin/token là chứng khoán, khiến bao nhiêu sàn giao dịch cảm thấy điêu đứng vì vấn đề này.
Vào ngày 14/4, trong cuộc họp giữa chủ tịch SEC và các ủy viên của cơ quan này, ông Gensler đã đề xuất đưa các nhà môi giới có sự giám sát bổ sung theo quy định vào thị trường để xác định lại và “hiện đại hóa” sàn giao dịch. Tuy nhiên, ý tưởng này gặp phải sự phản đối của ủy viên Hester Peirce. Bà Peirce thể hiện mối quan ngại trong những đề xuất của ông Gensler và cho rằng có quá nhiều sự mơ hồ liên quan đến cách xử lý chứng khoán hiện tại của SEC.
Cuộc họp của SEC diễn ra vào ngày 14/4. Nguồn: SEC
Không chỉ trong nội bộ SEC, đến cả các chính trị gia cũng cảm thấy ông Gensler và SEC dường như đang lún quá sâu vào crypto, gần đây nhất là vụ việc với Coinbase. Cảm thấy bất cập trong đề xuất vào ngày 14/4 tương tự bà Peirce, ông Davidson Warren – Dân biểu tại Ohio cho rằng, Chủ tịch SEC cần bị sa thải do hành vi lạm dụng kéo dài đối với thị trường crypto.
Những diễn biến trên có lẽ khó làm nản lòng chủ tịch SEC, nhưng trong phiên điều trần ngày 19/4, ông Gensler đã rơi vào tình cảnh khó xử khi không trả lời được câu hỏi của Patrick McHenry – Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính về việc Ethereum là hàng hóa hay chứng khoán?
- Một loại tài sản không thể đồng thời là hàng hóa lẫn chứng khoán. Xét trên góc nhìn của anh, Ethereum là hàng hóa hay chứng khoán?
- Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính
Trong clip được trích dẫn lại bởi Cointelegraph, việc Chủ tịch SEC lấp lửng và tránh trả lời vào trọng tâm câu hỏi không khỏi khiến nhà đầu tư nghi ngờ rằng, ông Gensler cũng đang dần mất đi tính kiên định trong định hướng của bản thân. Hoặc bản thân ông Gensler vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cụ thể theo Luật Chứng khoán hiện hành tại Mỹ.
Ngành công nghiệp crypto phát triển mạnh mẽ và thu hút sự chú ý của SEC dưới thời kỳ chủ tịch Gary Gensler. Nhưng dưới quyền của ông Gensler, SEC không hề được lòng người trong lẫn ngoài thị trường, để rồi liên tục nhận những chỉ trích đến từ nhiều phía. Trong Podcast nói về vấn đề Coinbase xem xét khả năng chuyển ra khỏi Mỹ của Chamath Palihapitiya, nhà đầu tư kiêm tỷ phú người Canada đã có những lời lẽ không hay nhằm vào Chủ tịch SEC.
- Crypto coi như đã chết tại đất Mỹ. Tại Mỹ, Gensler thậm chí còn đổ lỗi về cuộc khủng hoảng ngân hàng cho crypto. Do đó, chính quyền Mỹ kiên quyết chĩa súng nhắm vào crypto
- Chamath Palihapitiya, Nhà đầu tư kiêm tỷ phú
Vượt qua khỏi biên giới nước Mỹ, trên thế giới có nhiều nước như Hong Kong hay Singapore luôn rộng cửa cho ngành công nghiệp crypto. Hay ngay tại EU, khi các quy định về MiCA được ra mắt, các công ty sẽ nắm chắc pháp lý để tự do phát triển mà không còn phải nơm nớp lo sợ thông báo Well như ở Mỹ.
Châu Âu đang cố gắng tìm cách đưa crypto vào hệ thống tài chính, trong khi chính sách của Mỹ là ngăn chặn tiền mã hóa từ bên ngoài, Jay Clayton, Cựu chủ tịch SEC, chia sẻ.
Điều này như một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả SEC và ông Gensler về sự đi sau thế giới của Mỹ trong quy định pháp lý về crypto. Đây không phải là vấn đề một sớm một chiều, nhưng SEC cần có những bước đi khác biệt trong thời gian tới để tránh có thêm bất kỳ ông lớn crypto nào cân nhắc về quyết định rời Mỹ như Coinbase.