SEC cắt giảm quy mô đơn vị thực thi luật crypto

SEC đã điều chuyển một số luật sư và nhân viên trong đơn vị giám sát crypto sang các bộ phận khác trong cơ quan.

Theo báo cáo của tờ The New York Times, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đang tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng trong chính sách quản lý crypto khi tiến hành thu hẹp quy mô của đơn vị phụ trách thực thi luật crypto.

Đơn vị thực thi luật crypto của SEC được thành lập vào năm 2017, dưới nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump nhưng đã mở rộng mạnh mẽ khi Gary Gensler nắm quyền. Vào tháng 05/2022, SEC thông báo đã tăng gấp đôi số nhân sự của đơn vị này lên 50 người, đồng thời tuyên bố đã tiến hành hơn 80 vụ kiện liên quan đến các nền tảng crypto gian lận hoặc chưa đăng ký. Gần đây, con số này đã vượt mốc 100 vụ, khiến crypto trở thành một trong những lĩnh vực bị giám sát gắt gao nhất trong nhiệm kỳ của chính quyền Biden.

Tuy nhiên, kể từ sau khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và chính thức nhậm chức vào ngày 20/01, cơ quan này đang dần thu hẹp quy mô của đơn vị. Một số luật sư trong đó có những thành viên lãnh đạo của đơn vị được cho là đã chuyển đến các phòng ban khác trong SEC,

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ủy viên ủng hộ tiền mã hóa Mark Uyeda đang nắm giữ vai trò quyền Chủ tịch SEC, thay thế cho Gary Gensler, người đã tuyên bố từ chức sau khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống.

Trong thời gian chờ Paul Atkins được phê duyệt để trở thành Chủ tịch chính thức, SEC dưới thời Uyeda cũng đã nhanh chóng thành lập nhóm chuyên trách về crypto nhằm xây dựng chính sách rõ ràng và toàn diện cho ngành. Nhóm công tác do Ủy viên Hester Peirce dẫn dắt sẽ tập trung vào việc phân loại tài sản crypto, xác định xem token nào là chứng khoán và token nào không thuộc phạm vi điều chỉnh của SEC.

Điều này có thể thay đổi cách các công ty crypto đăng ký hoạt động, đồng thời giúp quy trình phê duyệt hoặc từ chối các sản phẩm giao dịch trên sàn chứng khoán trở nên minh bạch và dễ hiểu hơn.

Trong một tuyên bố mới đây, Ủy viên Peirce đã nhấn mạnh rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của phòng ban này là liệt kê một số token vào danh mục “phi chứng khoán”. Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt, giúp nhiều token có thể giao dịch một cách hợp pháp mà không lo bị SEC coi là chứng khoán chưa đăng ký. 

Bà cũng cho biết nhóm chuyên trách về crypto sẽ làm việc chặt chẽ với các cơ quan quản lý ở cả cấp tiểu bang và liên bang, cũng như hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo sự nhất quán trong các quy định.

  • “Chúng tôi mời gọi sự tham gia của cả những người xây dựng, những người đam mê, lẫn những người hoài nghi về crypto để cùng thảo luận và xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, cũng như những bước đi cần thiết để thúc đẩy đổi mới trong thời gian tới.”

Ngoài ra, Hester Peirce còn tiết lộ rằng nhóm của bà đang xem xét đề xuất chính sách giúp các dự án phát hành token có cơ hội hợp pháp hóa hoạt động mà không bị xử phạt vì vi phạm trước đây.

Để đủ điều kiện hưởng chính sách này, các dự án phải công khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu của SEC, cập nhật thường xuyên để đảm bảo minh bạch và cam kết hợp tác với SEC, bao gồm việc chấp nhận quyền giám sát của cơ quan này và không tranh cãi nếu bị điều tra về gian lận.

SEC hiện vẫn còn những vụ kiện với các sàn Coinbase, Binance, Kraken, Crypto.com; đưa ra cảnh cáo chứng khoán đối với các công ty hạ tầng blockchain Ripple, Consensys; layer-1 Immutable, dự án stablecoin TUSD, dự án DeFi Mango Markets, sàn NFT OpenSea, sàn DEX Uniswap; gây áp lực cản trở ETF Solana,… Nếu được thông qua, chính sách này có thể giúp nhiều dự án crypto tránh được các vụ kiện tụng kéo dài, đồng thời tạo ra môi trường pháp lý minh bạch hơn cho ngành.

Tuy nhiên, bà Hester Peirce cũng nhấn mạnh rằng SEC không xác nhận hay ủng hộ bất kỳ token nào, đồng thời khẳng định không tồn tại “con dấu phê duyệt của SEC” cho bất kỳ tài sản số nào. Tuyên bố cho biết:

  • “Mọi cải thiện trong khung pháp lý không đồng nghĩa với việc SEC hậu thuẫn cho crypto, mà chỉ nhằm tạo ra một môi trường minh bạch và rõ ràng hơn cho ngành.”

Với hàng loạt thay đổi mang tính bước ngoặt tại SEC, từ việc thu hẹp đơn vị thực thi crypto, thành lập nhóm chuyên trách cho lĩnh vực này, đến rút lại quy định SAB 121 gây tranh cãi, chính quyền Trump đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng SEC sẽ không còn là “ông kẹ” kìm hãm ngành crypto như dưới thời Biden, mà thay vào đó sẽ trở thành một cơ quan hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành tiền mã hóa tại Mỹ.

Nguyen Phong: