Rút tiền hàng loạt (Bank Run) là gì? Ví dụ về rút tiền hàng loạt

Rút tiền hàng loạt (Bank Run) là hiện tượng xảy ra khi rất nhiều người đồng loạt rút tiền gửi khỏi ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác do lo ngại chúng mất khả năng thanh khoản hoặc sắp phá sản.

Rút tiền hàng loạt (Bank Run)

Khái niệm về Bank Run

Hiện tượng rút tiền hàng loạt trong tiếng Anh là Bank Run.

Hiện tượng rút tiền hàng loạt xảy ra khi một số lượng lớn khách hàng của ngân hàng hoặc các định chế tài chính khác đồng loạt rút tiền gửi của họ vì lo ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng.

Khi càng nhiều người rút tiền, khả năng vỡ nợ của ngân hàng càng tăng lên do thanh khoản cạn kiệt, càng khiến nhiều người rút tiền gửi hơn. Trong trường hợp xấu nhất, dự trữ của ngân hàng có thể không đủ để trả cho các khoản rút tiền.

Rút tiền hàng loạt xảy ra khi một số lượng lớn khách hàng bắt đầu rút tiền gửi vì lo sợ ngân hàng sẽ hết tiền, chúng thường là kết quả của sự hoảng loạn của đám đông chứ không phải do ngân hàng thực sự mất khả năng thanh toán.

Do các ngân hàng thường chỉ giữ một tỉ lệ nhỏ tiền gửi dưới dạng tiền mặt, họ phải tăng lượng tiền mặt của mình để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Một phương pháp mà ngân hàng sử dụng để tăng tiền mặt sẵn có là nhanh các tài sản của mình, đôi khi với giá thấp hơn đáng kể so với trường hợp không phải bán nhanh.

Các khoản lỗ do bán tài sản với giá thấp hơn có thể khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán. Một cuộc hoảng loạn ngân hàng xảy ra khi nhiều ngân hàng phải hứng chịu tình cảnh rút tiền hàng loạt cùng một lúc.

Cách ngăn chặn Bank Run

1. Tạm dừng hoạt động: Các ngân hàng có thể chọn cách đóng cửa trong một khoảng thời gian khi phải đối mặt với mối đe dọa từ rụt tiền hàng loạt. Điều này ngăn cản mọi người xếp hàng và rút tiền của họ khỏi ngân hàng.

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã thực hiện điều này vào năm 1933 sau khi ông nhậm chức. Ông tuyên bố một “ngày nghỉ ngân hàng”, mở các cuộc thanh tra để đảm bảo khả năng thanh toán của các ngân hàng để họ có thể tiếp tục hoạt động.

2. Vay mượn: Các ngân hàng có thể vay từ các tổ chức khác nếu họ không có đủ dự trữ tiền mặt. Các khoản vay lớn có thể ngăn họ rơi vào phá sản.

3. Bảo đảm cho các khoản tiền gửi: Khi mọi người biết tiền gửi của họ được bảo đảm bởi chính phủ, nỗi sợ hãi của họ giảm dần.

Ví dụ về Bank Run

Các vụ rút tiền hàng loạt có thể xảy ra từ những tin đồn bắt nguồn từ các khách hàng cá nhân. Vào tháng 12 năm 1930, một người New York được Ngân hàng Mỹ khuyên không nên bán một chứng khoán cụ thể đã rời khỏi chi nhánh ngân hàng và nói với mọi người rằng ngân hàng không sẵn lòng hoặc không thể bán chứng khoán của anh ta.

Cho rằng đây là dấu hiệu của việc mất khả năng thanh toán, hàng nghìn khách hàng của ngân hàng này đã xếp hàng và trong vòng vài giờ đã rút hơn 2 triệu USD từ ngân hàng.

Bank run trong thị trường crypto

Đối với thị trường crypto, các sự kiện có tính chất giống với bank run cũng đã từng diễn ra. 

Thị trường tài chính truyền thống có rất nhiều công cụ và quy định cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đahậu quả. Tuy nhiên, “miền Tây hoang dã” DeFi (tài chính phi tập trung) lại không sở hữu những thứ đó. 

Do đó, nếu diễn ra các sự kiện có tính chất giống với bank run, các protocol (giao thức) sẽ gặp rất nhiều rắc rối.

Vào thời điểm cuối tháng 10/2021, AAVE, Lending Marketplace hàng đầu trên thị trường DeFi đã gặp phải một sự kiện tương tự như bank run.

Theo đó, một địa chỉ ví có kết nối với Justin Sun, nhà sáng lập Tron Foundation, đã đột ngột rút khoảng 4.2 tỷ USD tài sản (giá trị ước tính vào thời điểm đó), tương đương 18% tổng TVL của AAVE khi đó. (Báo cáo Justin Sun rút tiền từ AAVE)

Thiết kế của AAVE khác với ngân hàng thương mại ở điểm là AAVE không thể vay các bên khác để bù đắp thanh khoản. Người dùng chỉ có thể rút tiền khi số tiền chênh lệch giữa pool vay và pool cho vay lớn hơn số tiền họ muốn rút. 

Do vậy, sự việc này chỉ có nét tương đồng với bank run chứ không giống hoàn toàn. Thiết kế này của AAVE cũng cho phép protocol tránh được những rủi ro về bank run tồn tại trong thị trường tài chính truyền thống.

Tuy nhiên khi đó, dưới tác động của việc thiếu thanh khoản trong một số pool, điển hình là USDT, người đi vay của AAVE đã phải chịu mức lãi suất lên tới 60%-80% APY trong nhiều giờ. 

Trong các sự kiện khiến thị trường crypto giảm mạnh sẽ có rủi ro thanh lý tài sản lớn gây nguy hiểm cho cả người đi vay lẫn protocol.

Tổng kết

Bank run là một hiện tượng rất nguy hiểm không chỉ với những ngân hàng và định chế tài chính mà còn cả với nền kinh tế bởi mối quan hệ nối tiếp giữa các tổ chức tài chính khác nhau.

Trên thị trường tiền điện tử sơ khai đặc biệt là Defi, rủi ro về việc bank run luôn hiện hữu trong khi những sản phẩm về bảo hiểm trên Defi chưa thực sự được người dùng quan tâm đến.

Trong quá trình đầu tư, chúng ta cần biết nhận biết và phân tích những biến động trên thị trường để đảm bảo an toàn cho tài sàn của mình.

T_Lauriston: