Chỉ trong vài tháng kể từ khi mở rộng sang blockchain Solana, stablecoin PYUSD của PayPal đã nhanh chóng vượt mốc 1 tỷ USD vốn hóa, củng cố vị trí trong top 6 stablecoin lớn nhất trên toàn thị trường.
Theo dữ liệu từ Coinmarketcap, stablecoin PayPal USD (PYUSD) đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD vốn hóa sau hơn 1 năm ra mắt với hơn 1,007 tỷ USD PYUSD hiện đang lưu hành trên 2 mạng lưới Ethereum và Solana.
Ra mắt vào tháng 08/2023, PYUSD khởi đầu khá chậm trên layer-1 Ethereum, chỉ đạt mức 42 triệu USD vốn hóa. Tuy nhiên, những nỗ lực của Paxos nhằm nâng cao độ nhận diện cho PYUSD như tích hợp vào nền tảng thanh toán Triple-A và hỗ trợ thanh toán quốc tế đã giúp vốn hoá đồng stablecoin này tăng trưởng ổn định.
Tại thời điểm thông báo ra mắt trên Solana hồi tháng 5 năm nay, vốn hóa của PYUSD đã chạm mốc 398 triệu USD, tăng gấp 9 lần so với con số ban đầu và đạt mức tăng trưởng 46% so với mức 273 triệu USD vào tháng 01/2024 với thông tin Aave bắt đầu xem xét tích hợp PYUSD vào giao thức của mình.
Bước đi chiến lược mở rộng sang Solana đã trở thành cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của PYUSD. Vào thời điểm đó, Solana nổi lên như một blockchain được nhiều người ưa chuộng với khối lượng giao dịch vượt trội hơn cả Ethereum, biến mạng lưới này trở thành mảnh đất màu mỡ cho các dự án stablecoin muốn bứt phá và gia tăng độ nhận diện trên thị trường.
Chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng, nguồn cung PYUSD trên Solana đã tăng từ 0 lên tới hơn 650 triệu USD, nhanh chóng vượt qua nguồn cung trên Ethereum và giúp stablecoin này tăng gấp đôi tổng cung kể từ tháng 06/2024. Trong tháng qua, vốn hoá của PYUSD trên Solana đã tăng vọt 171%, tiến gần hơn đến việc bắt kịp stablecoin USDT do Tether phát hành trên layer-1 này.
Giải thích cho mức tăng trưởng ấn tượng của PYUSD trong thời gian qua, nhà chiến lược và phát triển kinh doanh tại 21.co Tom Wan cho biết:
- “Các chương trình khuyến khích người dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây của PYUSD. Bên cạnh đó, việc tích hợp với các giao thức DeFi trên Solana cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển này.”
Kể từ khi ra mắt trên Solana, PYUSD đã không ngừng hợp tác với các giao thức DeFi như Kamino, Drift và marginfi, đưa ra các chương trình khuyến khích người dùng sử dụng PYUSD làm tài sản thế chấp với mức lợi suất hàng năm hấp dẫn. Ngoài ra, PYUSD còn bắt tay với Anchorage Digital để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, mang đến chương trình thưởng dành cho các dự án, doanh nghiệp nắm giữ một lượng lớn PYUSD.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại còn lo ngại về khả năng tăng trưởng bền vững của PYUSD sau khi các khoản ưu đãi này dần mất đi. Đối tác tại công ty nghiên cứu Anagram David Shuttleworth cho biết:
- “Những chương trình ưu đãi này không bền vững vì chúng không được thiết kế để mang lại lợi ích lâu dài. Mục tiêu chính là đưa thêm nhiều PYUSD lên mạng lưới và thúc đẩy người dùng sử dụng PYUSD trong hệ sinh thái Solana.”
Mặc dù đạt được một số thành công nhất định, cột mốc 1 tỷ USD PYUSD vẫn còn quá nhỏ bé để so sánh với các stablecoin hàng đầu như USDC hay USD Coin (USDC). Hiện tại, USDT và USDC vẫn thống trị thị trường với vốn hóa lần lượt là 117,5 tỷ USD và 34 tỷ USD. PYUSD chỉ xếp ở vị trí thứ 6 trong số các stablecoin có vốn hóa hàng đầu cho thấy vẫn còn một khoảng cách lớn cần vượt qua để có thể cạnh tranh sòng phẳng với những “ông lớn” này.