Telegram đã phủ nhận các cáo buộc chống lại nhà sáng lập Pavel Durov và ứng dụng nhắn tin này.
Các nhà chức trách Pháp đã công bố tất cả cáo buộc đặt lên Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm CEO Telegram đã bị bắt vào ngày 24/08 tại sân bay Le Bourget gần Paris.
Theo đó, Durov phải đối mặt với một loạt cáo buộc nghiêm trọng, bao gồm:
- Đồng phạm – Vận hành nền tảng trực tuyến tạo điều kiện cho các tổ chức thực hiện giao dịch bất hợp pháp.
- Từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, để thực hiện các cuộc giám sát được pháp luật cho phép.
- Đồng phạm – Sở hữu hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên.
- Đồng phạm – Phân phối, cung cấp hoặc tạo điều kiện để có được hình ảnh khiêu dâm trẻ em trong một nhóm tổ chức.
- Đồng phạm – Mua bán, vận chuyển, sở hữu, cung cấp các chất gây nghiện.
- Đồng phạm – Cung cấp, bán hoặc tạo điều kiện có được thiết bị, công cụ, chương trình hoặc dữ liệu được thiết kế để truy cập và làm hỏng hệ thống xử lý dữ liệu tự động.
- Đồng phạm – Gian lận có tổ chức.
- Tham gia vào một tổ chức tội phạm với mục đích thực hiện tội phạm hoặc hành vi phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 năm trở lên.
- Rửa tiền thu được từ tội phạm và hành vi phạm tội của nhóm tổ chức.
- Cung cấp dịch vụ mã hóa nhằm đảm bảo tính bảo mật mà không cần khai báo.
- Cung cấp công cụ mã hóa không chỉ nhằm đảm bảo tính xác thực hoặc giám sát tính toàn vẹn mà không cần khai báo.
- Nhập khẩu công cụ mã hóa đảm bảo tính xác thực hoặc giám sát tính toàn vẹn mà không cần khai báo.
Cuộc điều tra bắt đầu từ ngày 08/07, do Đơn vị Phòng chống Tội phạm Mạng (JUNALCO) thuộc Văn phòng Công tố Paris dẫn đầu. Cuộc truy đuổi nhắm vào một cá nhân chưa được tiết lộ danh tính và cáo buộc Pavel Durov, CEO của Telegram, sử dụng nền tảng này để tạo điều kiện cho giao dịch bất hợp pháp, sở hữu và phân phối nội dung khiêu dâm trẻ em, cũng như buôn bán ma túy.
Ngoài ra, còn có các cáo buộc khác như cản trở cơ quan thực thi pháp luật, từ chối cung cấp thông tin, điều này đặc biệt gây tranh cãi vì Telegram có lịch sử chống lại sự giám sát của chính phủ.
Theo thông cáo báo chí, Pavel Durov hiện đang bị tạm giữ dưới khung pháp lý về tội phạm có tổ chức đến ngày 28/08.
Vụ việc được coi là một trong những hành động pháp lý đáng chú ý nhất đối với một giám đốc điều hành công nghệ trong những năm gần đây, đồng thời đặt ra dấu hỏi về vai trò của các nền tảng xã hội trong việc kiểm duyệt nội dung và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Telegram, ứng dụng nhắn tin với hơn 700 triệu người dùng trên toàn cầu, đã nhiều lần bị chỉ trích vì chính sách kiểm duyệt nội dung thiếu chặt chẽ. Dù nền tảng tuyên bố gỡ bỏ các kênh liên quan đến hoạt động phi pháp, nhưng các nhà phê bình vẫn cho rằng những nỗ lực này là không đủ.
Trong một tuyên bố trên X, Telegram đã phản hồi các cáo buộc, khẳng định họ luôn tuân thủ luật pháp của Liên minh châu Âu và bác bỏ các cáo buộc là vô căn cứ. Công ty nhấn mạnh rằng Durov “không có gì để che giấu” và chỉ trích quan điểm cho rằng nền tảng hoặc người sáng lập phải chịu trách nhiệm về việc sản phẩm của họ bị lạm dụng bởi các thành phần xấu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng về vụ bắt giữ Pavel Durov, khẳng định đây hoàn toàn là hành động pháp lý, không bị ảnh hưởng bởi động cơ chính trị. Macron cho biết:
- “Vụ bắt giữ người đứng đầu Telegram trên lãnh thổ Pháp diễn ra trong bối cảnh một cuộc điều tra tư pháp đang được tiến hành. Đây hoàn toàn không phải là quyết định mang tính chính trị.”
Mặc dù vậy, vụ bắt giữ này đã gây ra làn sóng chỉ trích từ các nhân vật nổi tiếng như Vitalik Buterin, Edward Snowden và Elon Musk, cho rằng đây là một cuộc bắt bớ vô lý và kêu gọi trả tự do cho CEO Telegram. Robert F. Kennedy cũng lên tiếng ủng hộ Durov và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Trong cộng đồng công nghệ, vụ việc cũng gây ra nhiều luồng phản ứng ngược dấu. Durov được ca ngợi vì cam kết bảo vệ quyền riêng tư và tự do ngôn luận, song cũng bị chỉ trích vì Telegram thiếu hợp tác với chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm như khủng bố và lừa đảo tài chính nở rộ trên nền tảng.
Trong một diễn biến liên quan, hàng loạt trang web của chính phủ Pháp vừa bị tấn công như Tòa án hành chính Paris, Bộ Y tế và Tòa án phúc thẩm. Theo một số nguồn tin, vụ việc có thể do một nhóm hacker Nga gây ra, nhằm đáp trả vụ bắt giữ CEO Telegram.
Pavel Durov gây được tiếng vang khi sáng lập ra mạng xã hội lớn nhất tại Nga, VK, đồng thời cũng từng đối đầu với chính phủ nước này. Trong một cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson gần đây, Durov cho biết ông buộc phải bán VK và bị “lưu đày” khỏi Nga sau khi từ chối cung cấp dữ liệu người dùng theo yêu cầu của chính phủ.
Từ đó, Durov đã thành lập Telegram vào năm 2013, với mục tiêu tạo ra một nền tảng cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. Tuy nhiên, sự thiếu kiểm duyệt trên nền tảng đã vấp phải nhiều chỉ trích, khi các chuyên gia cho rằng Telegram đã trở thành nơi trú ẩn cho các phần tử cực đoan, lừa đảo và hoạt động bất hợp pháp khác.
Giá TON trong sáng ngày 27/08 tiếp tục lao dốc vì vụ việc, cũng như ảnh hưởng từ xu hướng chung trên thị trường crypto.