Rắc rối bủa vây Binance và CEO CZ, những động thái đáng ngờ của Justin Sun và phiên điều trần giữa Chủ tịch SEC cùng Tiểu ban tài sản kỹ thuật số vào ngày 18/4 là những sự kiện mà nhà đầu tư cần chú ý trong tháng.
Rắc rối bủa vây Binance và CEO CZ
Dù 2023 mới chỉ vừa bước qua tháng thứ 4, nhưng sàn giao dịch lớn nhất thế giới cùng CEO Changpeng Zhao (CZ) đã chịu không ít những rắc rối và tin đồn thất thiệt trong nhiều ngày liên tục. Khi những cáo buộc từ các cơ quan tại Mỹ như Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) hay Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) nhắm vào Binance vẫn chưa có hồi kết, những Dubai, Úc cùng các cá nhân trong cộng đồng liên tục khiến CZ cùng sàn giao dịch của ông phải đương đầu với hàng loạt tin không hay chỉ trong một thời gian ngắn.
Năm ngày sau khi Binance dính vào cuộc đối đầu với CFTC do cáo buộc vi phạm giao dịch, CZ tiếp tục là cái tên được nhắc đến trong vụ kiện trị giá 1 tỷ USD về việc quảng cáo chứng khoán chưa đăng ký. Trong hồ sơ khởi kiện, Binance được nhắc đến như một ví dụ điển hình về sàn giao dịch tập trung đang thúc đẩy bán chứng khoán chưa đăng ký.
Cụ thể, vào ngày 31/3, công ty luật Moscowitz và Boies Schiller Flexner đã đệ đơn kiện vì cho rằng, Binance có liên quan đến giao dịch chứng khoán chưa đăng ký và trả tiền cho những người có ảnh hưởng để quảng cáo bất hợp pháp các dịch vụ đó. Các luật sư tiết lộ, sau hơn một năm điều tra, vài cá nhân nổi tiếng và sàn giao dịch Binance cần chịu trách nhiệm pháp lý trước tổn thất của khách hàng liên quan đến vấn đề chứng khoán chưa đăng ký.
Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 6/4, Binance tiếp tục nhận tin không vui về việc Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) hủy giấy phép của Binance Australia Derivatives sau khi xem xét mục tiêu các hoạt động của sàn giao dịch tại xứ sở chuột túi.
- ASIC hôm nay (ngày 6/4/2023) đã hủy giấy phép dịch vụ tài chính của Úc do Oztures Trading Pty Ltd nắm giữ, giao dịch dưới tên Binance Australia Derivatives (Thông báo của ASIC)
Kể từ ngày 14/4, người dùng dịch vụ phái sinh trên Binance Australia sẽ không thể gia tăng hoặc mở thêm vị thế phái sinh trên nền tảng này. Đồng thời, sau ngày 21/4, Binance Australia dự kiến sẽ đóng cửa các vị thế còn lại. Đây có vẻ là vấn đề không đáng lo ngại với Binance, khi sàn giao dịch này chỉ đóng cửa dịch vụ phái sinh và lượng người dùng tại quốc gia này không cao (chỉ đạt đến con số 140 người vào ngày 6/4).
Tuy nhiên điều này cũng phản ánh thực trạng, dường như các cơ quan chứng khoán ở nhiều quốc gia đang bắt đầu hành động và với vị thế sàn giao dịch lớn nhất thế giới, họ đã lấy Binance để đứng ra làm gương cho các bên tương tự, đặc biệt là tại Mỹ. David Waugh – Biên tập viên của Daily Economy cho rằng, vụ kiện giữa CFTC và Binance như một ví dụ điển hình cho việc các cơ quan quản lý tại Mỹ đang sử dụng mọi biện pháp có thể để hạn chế sự mở rộng của ngành công nghiệp crypto.
Do đó, không ngoại trừ khả năng trong tháng 4 này, Binance cùng CEO của sàn sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn đến từ các chính quyền quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, diễn biến của vụ việc giữa sàn giao dịch lớn nhất thế giới và CFTC được quan tâm hơn cả, do Binance.US chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động giao dịch crypto của người dân Mỹ.
Động thái của chính quyền Mỹ có thể sẽ đẩy Binance ra xa khỏi lãnh thổ của họ. Nếu Binance US ngừng cung cấp dịch vụ cho người dân Mỹ, khả năng cao sẽ dẫn đến sự sụt giảm khối lượng nghiêm trọng giao dịch tại quốc gia này, trừ khi các nhà giao dịch chuyển sang các nền tảng thay thế.
Binance là nguồn thanh khoản quan trọng trong thị trường crypto. Với bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào với Binance, đều có thể gây ra tác động đối với thanh khoản của thị trường. Cuối cùng, khách hàng của Binance trên toàn thế giới sẽ chính là những người bị chịu ảnh hưởng nếu hai bên chưa tìm được tiếng nói chung tại tòa.
- Vụ kiện có thể gây ra làn sóng chấn động khắp thị trường crypto thế giới. Dù tốt hay xấu, Binance hiện đóng vai trò như một cơ sở hạ tầng quan trọng trong thị trường với khối lượng giao dịch khổng lồ thông qua sàn giao dịch này. Việc gián đoạn dịch vụ tại Binance có thể dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong thị trường
- Jason Allegrante, Giám đốc pháp lý của FireBlocks
Những động thái đáng ngờ của Justin Sun
Vào ngày 5/4, theo thông tin từ CoinDesk, Binance đã từ chối đề nghị mua lại cổ phần sở hữu Huobi của Nhà sáng lập mạng lưới Tron – Justin Sun. Nguyên nhân được cho là do tin đồn về việc Huobi đang có quan hệ với phía Trung Quốc, điều mà Binance luôn một mực né tránh để hạn chế căng thẳng trong quá trình làm việc với các nước phương Tây.
Khi thông tin về việc thương vụ đổ bể được đăng bởi trang tin CoinDesk, Justin Sun đã thể hiện sự tôn trọng với sàn giao dịch Binance trên trang Twitter cá nhân và không quên phủ nhận đề nghị bán cổ phần của ông. Justin Sun cho rằng, đây có lẽ là trò đùa cá tháng Tư của một nhân vật nào đó.
Nhưng như các nhà đầu tư thường thấy ở Sun, nhà sáng lập Tron thường có xu hướng phủ nhận các thông tin liên quan đến Huobi. Justin Sun tự gọi mình là cố vấn của Huobi, trong khi nhiều người cho rằng, doanh nhân 32 tuổi này phải nắm giữ cổ phần của sàn giao dịch này hoặc hơn thế nữa, thông qua những động thái hỗ trợ của ông suốt thời gian qua.
Vào tháng 1/2023, Justin Sun đã tung ra 200 triệu USD để hỗ trợ Huobi sau khi liên tiếp phủ nhận thông tin từ Bloomberg về việc ông mua lại cổ phần sàn giao dịch này với giá 1 tỷ USD thông qua công ty About Capital có trụ sở tại Hong Kong. Mặc dù, Huobi đã từng có thông báo rằng Justin Sun thuộc ban lãnh đạo của công ty.
Chưa rõ tại sao Justin Sun luôn một mực phủ nhận các thông tin liên quan đến Huobi, nhưng hẳn rất nhiều nhà đầu tư tò mò về câu chuyện đằng sau việc này. Dù cho Binance chưa có bình luận gì về việc chào mua cổ phần từ nhà sáng lập Huobi, nhưng nếu đây không chỉ dừng lại là một trò đùa cá tháng Tư, hẳn sẽ có những câu chuyện để kể trong quý 2 sắp tới.
Phiên điều trần giữa Chủ tịch SEC và Tiểu ban tài sản kỹ thuật số vào ngày 18/4
Thời gian qua, các cơ quan chính quyền Mỹ luôn được nhắc tên trên nhiều mặt báo liên quan đến crypto do những cáo buộc và kiện tụng họ nhắm vào các công ty trong ngành, đặc biệt là các sàn giao dịch tập trung. Từ SEC, CFTC hay NYAG những cáo buộc liên quan đến chứng khoán liên tục nhắm vào các sàn giao dịch tập trung.
Những vụ việc này khiến nhiều nhà đầu tư mong mỏi chính quyền Mỹ nên có những quy định cụ thể liên quan để crypto. Qua đó, không chỉ hỗ trợ việc phát triển của ngành mà còn bảo vệ tối đa quyền lợi của các nhà đầu tư, điều mà các cơ quan như SEC luôn lấy làm lý do để cáo buộc các công ty về crypto. Chỉ là Chủ tịch SEC không nghĩ như vậy.
- Luật chứng khoán hiện hành đã bao gồm hết các hoạt động đang diễn ra trên thị trường crypto. Nếu chủ thể muốn bán token ra cho nhà đầu tư Mỹ, họ sẽ phải tuân theo Luật Chứng khoán hoặc luật của CFTC (Gary Gensler, Chủ tịch SEC).
Gary Gensler luôn kiên định với chính kiến của bản thân, mặc cho những nhà đầu tư mà chủ tịch SEC thường xuyên lên tiếng bảo vệ đang coi ông như một kẻ phản diện với crypto.
Chủ tịch SEC, người không được lòng cộng đồng crypto. Nguồn: CNBC
Do đó, Patrick McHenry – Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện cho rằng, cần có một cuộc gặp với chủ tịch SEC để có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề đang xảy ra trên thị trường crypto, đặc biệt là những thảo luận về khuôn khổ pháp lý.
Đây sẽ là cách tiếp cận nghiêm túc đối với việc chúng tôi đặt ra những vấn đề xoay quanh lĩnh vực pháp lý cho tài sản kỹ thuật số (Patrick McHenry, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện)
Ngày 18/4 sẽ đánh dấu phiên điều trần đầu tiên của Tiểu ban tài sản kỹ thuật số thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính về SEC, cuộc gặp mặt lần này sẽ mở ra hy vọng về những quy định cụ thể dành cho crypto tại Mỹ trong tương lai. Ngoài ra, sau cuộc sụp đổ của các ngân hàng và sự việc mất peg của stablecoin USDC, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện có thể sẽ thảo luận về dự luật stablecoin được họ soạn thảo vào năm ngoái.
Nhìn xa hơn lãnh thổ nước Mỹ, cộng đồng crypto có thể ngóng chờ phiên họp bỏ phiếu về các quy định MiCA được diễn ra trong tháng 4 này.
Amazon ra mắt NFT Marketplace
Amazon đã từng định trình làng NFT Marketplace của họ vào năm 2022, nhưng những sự cố liên quan đến FTX khiến kế hoạch này bị đình trệ. Vào ngày 24/4, Amazon sẽ ra mắt 15 bộ sưu tập NFT trên sàn giao dịch mới của họ, nhưng cách thức có phần khác so với những NFT Marketplace phổ biến trên thị trường.
Pudgy Penguins – Một trong những dự án đầu tiên được cho là hợp tác NFT Marketplace của Amazon. Nguồn: Trang chủ Pudgy Penguins
Theo Blockwork, nền tảng của Amazon đã được hiển thị trên trang chủ của hãng với cái tên Amazon Digital Marketplace, chạy trên mạng lưới riêng và các giao dịch sẽ không được thanh toán qua tài sản crypto.
Tính năng giao dịch này của Amazon khác xa với những OpenSea, Blur, MagicEden…khi chỉ cho nhà đầu tư thanh toán thông qua thẻ tín dụng hoặc ghi nợ. Alex Is Building – Nhà phát triển Web3 cho rằng, Amazon sẽ không có ý định chấp nhận crypto hoặc sản phẩm ví như MetaMask trong tương lai gần. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư trong thị trường cảm thấy bất tiện và phần nào giảm đi sự phấn khích trước ngày ra mắt sàn giao dịch NFT của Amazon.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường crypto trở nên phổ biến hơn với đại chúng. Theo Christopher Alexander – Giám đốc truyền thông của Liberty Blockchain, việc Amazon tham gia vào thị trường NFT đóng vai trò như một trung gian điều hướng 200 triệu khách hàng của ông lớn này sang trải nghiệm Web3.
- Amazon được biết đến là thương hiệu có hơn 200 triệu khách hàng tin tưởng và sử dụng. Amazon có thể đóng vai trò trung gian đáng tin cậy để khách hàng trải nghiệm Web3 lần đầu tiên. Qua đó, Amazon sẽ mang lại sức mạnh vận động hành lang đáng kể cho ngành công nghiệp crypto đang chiến đấu trên nhiều mặt trận tại Mỹ (Christopher Alexander, Giám đốc truyền thông của Liberty Blockchain)
Ngoài ra, việc gia nhập vào thị trường NFT Marketplace của Amazon sẽ thúc đẩy cạnh tranh trong cuộc chiến giành thị phần giữa nhiều dự án khác như OpenSea hay Blur. Dù rằng, Amazon sẽ có đôi chút khó khăn trong thời gian đầu do chính sách giao dịch không sử dụng tài sản crypto của sàn, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn rất kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của một cái tên đã có chỗ đứng trong thị trường truyền thống.
- Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Amazon cố gắng kết hợp công nghệ NFT vào hoạt động kinh doanh hiện tại của họ. Vẫn còn quá sớm để nói chính xác những gì sẽ xảy ra, nhưng thực sự rất thú vị khi thấy một gã khổng lồ Web2 nhúng chân vào thế giới crypto (Anthony Georgiades, Nhà đồng sáng lập Pastel Network)
Ethereum Shanghai đang đến gần
Ethereum Shanghai chắc hẳn là sự kiện được nhiều người đặc biệt quan tâm khi thời điểm ra mắt của bản nâng cấp này đang đến gần hơn bao giờ hết. Sức nóng của sự kiện diễn ra vào ngày 12/4 đã phản ánh ngay trên biểu đồ giá của Ethereum (ETH) trong vài ngày gần đây. Hiện ETH đang được giao dịch quanh mức 1,800 USD/ETH sau khi vượt mốc 1,900 USD/ETH – cao nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây.
Giá ETH giao động trong khoảng 1,800 – 1,900 trong những ngày gần đây.
Sự kiện Ethereum Shanghai sẽ giúp mạng lưới tối ưu mã nguồn cho smart contract, hỗ trợ PBS đi vào hoạt động, đi kèm theo đó là khả năng rút ETH ra khỏi Beacon Chain…Điều này có thể tạo sự ổn định về lâu dài cho người tham gia stake, qua đó, tăng thêm nhu cầu tham gia stake của các nhà đầu tư.
Đối với những nâng cấp sắp tới đây, các dự án Liquid staking derivatives (LSD) cùng với Layer 2 sẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả. Vấn đề được quan tâm nhất trong sự kiện Shanghai là khả năng rút ETH khi khóa tài sàn vào hợp đồng thông minh (EIP-4895) có thể giúp cho quá trình thu hồi tài sản được thông suốt. Qua đó, đợt nâng cấp lần này sẽ thúc đẩy được nhu cầu sử dụng dịch vụ LSD của các nhà đầu tư.
Những động thái tích cực từ các token của dự án liên quan đến LSD trước nâng cấp Shanghai. DefiLlama
Do đó, một số nhà đầu tư đã kỳ vọng những token của các dự án liên quan đến LSD như Lido Finance (LDO), RocketPool (RPL) hay Ankr (ANKR) có thể sẽ tăng giá trong bản nâng cấp sắp tới của Ethereum.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng vì áp lực xả ETH có thể diễn ra hậu Shanghai. Do lượng lớn ETH có thể được unstake, những nhà đầu tư đang bị thua lỗ do tham gia stake ETH với giá trên 1,900 có khả năng cao sẽ thực hiện mức xả token khi EIP-4895 được triển khai.
Theo những gì các nhà phân tích tại K33 Research chia sẻ với CoinDesk, áp lực xả ETH sau Shanghai có thể lên đến hàng tỷ USD. Họ cho rằng hơn Celsius Network có khả năng bán đi hơn 158,000 ETH đang stake như một phần của quy trình phá sản. Cùng với đó, khoảng 1.1 triệu ETH có thể được bán ra hậu Shanghai. Hai con số này đại diện cho gần 1.3 triệu ETH tương đương khoảng 2.4 tỷ USD.
Ngoài ra, Kraken – sàn giao dịch mới chịu khoản tiền phạt 30 triệu USD do những cáo buộc từ SEC có thể sẽ là nơi nhiều nhà đầu tư bán ra ETH. Theo K33 Research, có khoảng 1.2 triệu ETH đang được stake thông qua Kraken.
- Kraken có thể thu hồi tất cả ETH do các nhà đầu tư Mỹ stake do Thông báo Wells (từ SEC). Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư ETH tại Kraken unstake và bán ra (Các nhà phân tích tại K33 Research)
Theo nhà đầu tư Olimpio, sẽ có khoảng 54,000 ETH được rút mỗi ngày tương đương khoảng 90 triệu USD nếu lượng tài sản này được bán ra. Việc giới hạn rút ETH có thể giúp giảm áp lực bán mỗi ngày, qua đó, người mua phần nào yên tâm hơn trong những dự đoán về giá tài sản khi giao dịch ETH.