Bitcoin liên tục tăng giảm nhẹ nhàng trong tháng 5, khiến nhiều nhà đầu tư bối rối trong quyết định xuống tiền của bản thân.
Bitcoin tăng giảm không ngừng nghỉ
Sau những đợt tăng và giảm mạnh mẽ trong 4 tháng đầu năm, tháng 5 chứng kiến sự “ngập ngừng” lên xuống của Bitcoin trên biểu đồ giá. Ví dụ như sáng 17/5 (theo giờ Việt Nam), thị trường vẫn còn chìm trong sắc đỏ và Bitcoin chạm mốc 26,500, thì chỉ buổi tối cùng ngày, sắc xanh lại lan tỏa khắp thị trường với tin của Tether và Ripple.
Trong khi Tether cam kết phân bổ 15% lợi nhuận ròng hàng tháng để mua lại Bitcoin, Ripple lại đang thắng lớn trên phương diện pháp lý với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) tại Mỹ. Qua đó, Bitcoin mở đầu ngày 18/5 thuận lợi với mức giá 27,400 USD.
Nhà đầu tư sở hữu số vốn nhỏ thường ít bận tâm với những biến động nhẹ trên thị trường như vậy, họ chỉ để ý hơn nếu thông tin tác động trực tiếp đến token bản thân đang nắm giữ. Ví dụ như khi có thông tin Andre Conje sẽ trở lại, giá Fantom (FTM) đã bật tăng, khiến những nhà đầu tư nắm giữ FTM là người vui mừng nhất.
Còn với từng biến động nhỏ khiến Bitcoin tăng giảm nhẹ và liên tục như trong những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư không biết đó là tín hiệu mua hay bán? Sự “ngập ngừng” của Bitcoin lây sang cả nhà đầu tư. Họ kỳ vọng Bitcoin bứt phá hoặc chí ít thì cũng nên có tín hiệu giảm và đi ngang để mua vào nắm giữ lâu dài. Việc Bitcoin lên xuống như hiện nay, các nhà đầu tư “đánh” future ngắn hạn ở hai đầu là những người vui nhất.
Bởi Bitcoin là một loại tài sản rủi ro rất dễ “bay hơi” và khó lường. Không ít nhà đầu tư đã kiếm được nhiều tiền khi giao dịch Bitcoin và cũng giải thích vì sao mọi người lại mất số tài sản tương tự khi làm như vậy. Chúng ta luôn kỳ vọng Bitcoin phải tăng, nhưng hiện loại tài sản này có đủ động lực để làm như vậy?
Lý do khiến Bitcoin khó bứt phá trong quý 2
Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn và có giá trị
Quan điểm ở tiêu đề được đặt ra khi cuộc khủng hoảng ngân hàng hay tin đồn về khả năng vỡ nợ tại Mỹ tràn lan trên không gian internet, một số nhà đầu tư đã so sánh với vàng để cho thấy mức tăng của Bitcoin thật đáng ngưỡng mộ. Khi vàng đạt ATH vào ngày 4/5, Checkmate – Nhà phân tích thuộc Glassnode đã chỉ ra những số liệu cho thấy, Bitcoin đang thể hiện hiệu suất tốt hơn kim loại quý hiếm kia.
Khi các cuộc sụp đổ cùng áp lực lãi suất đè nặng lên các ngân hàng, nhiều người đã lo lắng và rút tài sản ra khỏi nhà băng, truyền thông cho rằng điểm đến tiếp theo trong dòng tiền của họ có thể là Bitcoin. Mặc dù, Bitcoin không ổn định, nhưng giá trị của chúng không phụ thuộc vào bất kỳ nền kinh tế cụ thể nào. Những biến cố xảy ra trên thị trường truyền thống sẽ không ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài vào Bitcoin.
Như đã nói ở trên, Bitcoin không ổn định. Do đó, việc Bitcoin có phải là nơi trú ẩn an toàn hay không sẽ tùy theo hoàn cảnh và thời điểm mua vào của nhà đầu tư. Để thỏa mãn vấn đề về nơi trú ẩn an toàn và có giá trị, nhà đầu tư cần phải bán được Bitcoin với mức giá tốt hơn trong tương lai hoặc chí ít cũng phải ngang với lượng tài sản từng bỏ ra.
Nhưng nếu nhà đầu tư “trú ẩn” vào đúng thời điểm Bitcoin trên 60,000 và chưa bán ra, họ đang phải gánh khoản lỗ gấp 3 lần. Về áp lực này, tổng thống El Salvador hiểu rõ hơn ai cả. Những nhà đầu tư ở thị trường truyền thống nhìn vào tấm gương đó và họ vẫn ám ảnh khi báo chí liên tục đưa tin Bitcoin sụt giảm trong suốt 18 tháng qua.
Vậy nên, quan điểm nơi trú ẩn an toàn sẽ phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong thị trường, đã đặt niềm tin vào Bitcoin hoặc đang nắm giữ chúng. Trên thực tế, lượng Bitcoin được luân chuyển giữa các ví luôn ở mức thấp, cho thấy lượng người dùng mới trên thị trường không nhiều. Điều này ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của Bitcoin.
Cho nên, dù có là nơi trú ẩn an toàn và giá trị, Bitcoin cũng khó có thể tăng 7,000 hay 8,000 USD trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư lần lượt chốt lời khi Bitcoin chạm mốc trên 28,500 USD
Thị trường crypto cần có động lực tăng để dòng tiền được chuyển động mạnh mẽ và thu hút nhiều nhà đầu tư mới như khoảng thời gian cuối 2020 – 2021. Ngoài dòng tiền chưa được mạnh mẽ như đã đề cập ở trên, còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường.
Ví dụ như vấn đề chốt lời, các nhà đầu tư sau khi mua vào Bitcoin cùng các loại tài sản crypto khác nhau trong suốt 6 tháng – khi BTC dưới 30,000, hẳn họ cũng đã bán ra rất nhiều khi chúng đạt được mức lợi nhuận hợp lý. Theo phân tích của AxelAdlerJr – Nhà nghiên cứu thuộc CryptoQuant, sau ngày 2/5, anh nhận thấy mức độ sụt giảm mạnh về chỉ số phản ánh sự phân bổ của holder theo từng khung thời gian. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư này đã bán hàng loạt tài sản.
Áp lực bán đã tạo nên sức cản khiến Bitcoin chững lại và tăng trưởng chậm rãi trước những thông tin trên thị trường. Để bứt phá qua khỏi áp lực này, Bitcoin cần phải đón nhận những tin tức hoặc làn sóng xu hướng mới mang tính tích cực. Chúng ta có lẽ sẽ cần phải kỳ vọng vào nửa sau của năm 2023, bởi hiện thị trường vẫn còn đang chìm đắm vào xu hướng memecoin chứa đầy cám dỗ và thiếu tính ổn định.
- Bitcoin có thể chạm mốc 30,000 USD trong quý một và 50,000 USD ở nửa sau năm 2023
- Carol Alexander, Giáo sư tại đại học Sussex
Yếu tố pháp lý đang kìm hãm crypto
Để có những thông tin tích cực giúp thị trường tăng trưởng mạnh mẽ, đòi hỏi các công ty ngành crypto cũng phải đi lên từng ngày. Không chỉ cần những nhà đầu tư trung thành ủng hộ, các sàn giao dịch hay nền tảng trên thị trường còn cần môi trường pháp lý phù hợp để yên tâm phát triển mô hình kinh doanh của họ.
Quy mô thị trường crypto tuy còn nhỏ, nhưng các quốc gia trên thế giới đang dần có sự quan tâm đúng mực dành cho ngành công nghiệp tiềm năng này. Điển hình như sau cuộc bỏ phiếu ngày 16/5, khung pháp lý chung về thị trường crypto tại EU (MiCA) đã được thông qua. Mặc dù, các công ty sẽ phải ràng buộc với một số quy định có phần bất lợi cho hoạt động kinh doanh, nhưng đó họ có thể yên tâm phát triển nếu đảm bảo và làm quen dần với khung pháp lý chung.
Điều này hoàn toàn trái ngược tại Mỹ, nơi có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Các công ty crypto tại thị trường Mỹ đang phải chật vật với những thông báo Well được gửi từ SEC, do quốc gia này vẫn chưa có quy định cụ thể nào về crypto. Bởi ông Gary Gensler – Chủ tịch SEC luôn cho rằng, các quy định về crypto đã có sẵn và chúng là Luật Chứng khoán. Ông còn cho hay, đa số các công ty crypto không tuân thủ những quy định này.
- Thẳng thắn mà nói, phần lớn công ty trong lĩnh vực crypto không tuân thủ đúng quy định. Không hề có một công nghệ mới nào khiến crypto không phù hợp với các chính sách mà quốc hội đã đề ra
- Gary Gensler, Chủ tịch SEC
Nếu công ty có tiềm lực về tài chính và tiếng nói trên thị trường như Coinbase, Ripple sau khi nhận được thông báo Well liền đối đầu với SEC, thì những nền tảng hay sàn giao dịch không đủ sức cạnh tranh sẽ cắn răng chịu phạt hoặc chịu thảm cảnh như Bittrex. Điều này tạo nên nghịch cảnh tại Mỹ, nơi tưởng chừng là thiên đường về kinh tế nhưng các công ty crypto lại phải hoạt động trong nơm nớp lo âu.
Chừng nào Mỹ vẫn chưa thống nhất được quy định về pháp lý trong thị trường crypto, thì nhà đầu tư sẽ còn phải chịu đựng nhiều thông tin tiêu cực đơn cử như vụ việc giữa SEC và Paxos vào hồi tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, vấn đề về pháp lý tại Mỹ cũng phần nào ảnh hưởng đến lượng Bitcoin thị trường quốc gia này nắm giữ. Sau những sự sụp đổ và kiện tụng liên miên có liên quan đến SEC, hẳn nhiều nhà đầu tư và cá voi tại xứ cờ hoa đã chuyển tài sản của mình sang các sàn giao dịch quốc tế hoặc DEX khác an toàn hơn. Theo CryptoQuant, số lượng Bitcoin được nắm giữ bởi các nhà đầu tư Mỹ thường tỷ lệ thuận với giá của loại tài sản này.
Việc thị trường Mỹ nắm giữ quá ít Bitcoin phản ánh trực tiếp lên tốc độ tăng giá của chúng.
Các chỉ số về kinh tế Mỹ
Các chỉ số về kinh tế Mỹ luôn có ảnh hưởng nhất định đến giá của Bitcoin. Điển hình như thông báo về chỉ số tiêu dùng (CPI) vào ngày 10/5 vừa qua, mức tăng cao nhất kể từ năm tháng 3/2008 khiến Bitcoin (BTC) cùng các altcoin dựng cột xanh nhanh chóng. Sắp tới, Fed sẽ dựa vào những chỉ số đo lường lạm phát để xem xét và điều chỉnh lãi suất sao cho hợp lý vào kỳ họp tháng 6.
Ngoại trừ kỳ họp tháng 5, những lần Fed tăng giá, thị trường lại ngập trong lửa đỏ. Nhiều vị thế future trên thị trường cũng vì thế mà bị thanh lý hàng loạt.
- Ủy ban sẽ điều chỉnh chính sách linh hoạt qua từng cuộc họp, dựa trên những số liệu về kinh tế trong thời gian tới
- Jerome Powell, Chủ tịch Fed
Theo nhiều nhà đầu tư dự đoán, kịch bản khả dĩ nhất là Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới. Sẽ không quá ngạc nhiên nếu điều này thực sự xảy ra bởi diễn biến không mấy khả quan trong thời gian gần đây của kinh tế Mỹ. Thị trường crypto có lẽ sẽ phản ứng tích cực với thông tin tạm ngừng lãi suất nhưng không quá mạnh mẽ, các nhà đầu tư nên cẩn thận với những vị thế short được mở trong thời gian này.
Kịch bản xoay trục lãi suất để thị trường đột phá lại là tương lai khó xảy ra nhất, khi những cảnh báo Mỹ sẽ vỡ nợ liên tục được đưa tin trong những ngày gần đây. Vào ngày 19/5, ông Jerome Powell sẽ có những phát biểu liên quan đến chu trình lãi suất tiếp theo. Nhiều người trông đợi vị chủ tịch Fed sẽ có những lời tích cực nhằm trấn an phần nào một nước Mỹ đang ngập tràn tin đồn vỡ nợ. Theo Interlock, hiện mức nợ của quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới đã chạm mốc 31,400 tỷ USD.
- Bộ Tài chính có thể không còn đáp ứng được những nghĩa vụ của chính phủ nếu quốc hội không đình chỉ hoặc nâng mức trần nợ công vào ngày 1/6 sắp tới
- Janet Yellen, Bộ trường Bộ Tài chính Mỹ
Bitcoin vẫn còn tiềm năng tăng giá trong nửa sau của 2023, tuy nhiên các chỉ số và thông tin vĩ mô như lạm phát hay vỡ nợ tại Mỹ cần phải được cải thiện nếu không muốn cản bước đường phát triển của loại tài sản này.
Nhà đầu tư phải nên làm gì với những đợt điều chỉnh của Bitcoin
Vốn và đòn bẩy vừa đủ
Với kinh nghiệm từng bị thanh khoản nhiều lần, tác giả cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn vị thế trong cuộc chơi future. Bởi Bitcoin hiện tại liên tục điều chỉnh, cho dù có đang âm bao nhiêu, chỉ cần giữ vững vị thế khỏi bị thanh khoản là chúng ta vẫn sẽ còn cơ hội để trở lại.
Đối với những nhà đầu tư mới, cần phân bổ vốn một cách hợp lý trước khi tham gia thị trường đầy biến động này. Những tin tức trên thị trường có thể “cuốn bay” vị thế của nhà đầu tư bất cứ lúc nào, nên luôn phải xuống tiền trong tâm thế sẵn sàng có thể mất. Khuyến khích chỉ nên phân bổ dưới 5% tổng số vốn khi tham gia những trò chơi “đau tim” như future.