Khi mới tham gia thị trường Crypto, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc về sự khác biệt giữa Margin và Futures Trading là gì. Vì vậy, DeFiX.Network sẽ giúp mọi người có thể phân biệt được sự khác nhau giữa Margin và Futures trong bài viết này nhé!
Margin trading là gì?
Định nghĩa
Margin trading hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của sàn giao dịch để đầu tư. Khi dùng dịch vụ margin, bạn có thể mua được số lượng tài sản nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có, cơ hội để tăng gấp nhiều lợi nhuận đầu tư.
Giải thích đơn giản về margin như sau: Với một số tiền nhỏ, bạn có thể mở một giao dịch lớn hơn, có thể gấp vài trăm lần. Và sau đó, khi giá cả thay đổi theo hướng có lợi cho bạn thì bạn thu về lợi nhuận khổng lồ.
Ví dụ: Bạn có 1.000 USD và muốn mua cặp BAND/USDT. Tuy nhiên, bạn muốn gia tăng lợi nhuận, do đó bạn quyết định sử dụng đòn bẩy để tăng thêm số tiền mình có thể sử dụng, ví dụ là x5. Khi đó, bạn sẽ vay của sàn thêm 4.000 USD và số tiền có thể trade là 5.000 USD.
Bạn mua BAND/USDT ở giá 4 USD, khi giá lên 5 USD, bạn bán và lời được 25% số tiền 5.000, tức là 1.250 USD, số tiền 4.000 USD đã vay sàn sẽ được trả lại kèm một chút Fee. Như vậy, chỉ với 1.000 USD, bạn đã kiếm lợi nhuận được 1.250 USD chỉ với chênh lệch giá 25%. Điều này chính là nhờ đòn bẩy margin.
Khi đã vững trong đầu tư, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những cách thức có thể làm gia tăng lợi nhuận. Sử dụng margin (đòn bẩy tài chính) chính là một phương pháp tối ưu.
Margin là một khái niệm rộng, được sử dụng trong nhiều thị trường. Trong giao dịch Future ta cũng có Future Margin và Entities Margin:
- Future Margin: ký quỹ để giao dịch các hợp đồng tương lai, không thực sự mua tài sản (coin, cổ phiếu), thị trường giao dịch là phái sinh.
- Entities Margin: ký quỹ để vay tiền mua tài sản thực (coin, cổ phiếu, vàng), thị trường giao dịch là giao ngay.
- Khi chỉ nói Margin, ta mặc định đó là Entities Margin, tức mua bán tài sản thật, không phải phái sinh.
Để có thể giao dịch Margin trên một sàn nào đó, ta cần phải có một khoản tiền gọi là tiền ký quỹ (thế chấp). Một số sàn cho bạn mượn gấp 3 số tiền bạn ký quỹ (Leverage 3x) hoặc thậm chí như sàn BitMEX bạn có thể mượn gấp 100 lần (Leverage 100x). Bạn phải trả một khoản phí (lãi suất) theo ngày cho sàn dựa trên số tiền bạn đã mượn, mức phí được quy định tùy sàn.
Những vấn đề bạn cần quan tâm khi sử dụng margin:
- Token bạn muốn mua có được cấp margin không?
- Tỷ lệ cho vay là bao nhiêu? Hạn mức cho vay mà sàn cấp cho token đó.
- Lãi suất margin – là mức lãi áp dụng cho khoản vay.
- Phí giao dịch phải trả.
- Công nghệ giao dịch và thủ tục vay.
Trong các yếu tố trên, tỷ lệ cho vay, lãi và phí được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Phí phải trả khi giao dịch Margin là lãi suất vay, phụ thuộc vào loại tiền bạn vay mượn.
Ưu điểm
- Gia tăng lợi nhuận, sức mua tăng lên giúp bạn có cơ hội mua nhiều tiền điện tử hơn so với mức bạn có thể mua được. Bạn càng sở hữu nhiều đồng tiền điện tử, lợi nhuận tiềm năng của bạn càng lớn nếu chúng thay đổi theo đúng kỳ vọng của bạn.
- Đa dạng hóa nguồn thu nhập, khi bạn sử dụng Margin nó sẽ cho phép bạn có thể mua nhiều loại tiền điện tử, khi bạn không chắc chắn 100% vào 1 loại tiền điện tử cố định giờ đây với số tiền lớn bạn có thể đa dạng khoản đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
- Linh hoạt khi thanh toán, số tiền bạn đã vay không vượt quá các yêu cầu duy trì ký quỹ được chỉ định và bạn có thể hoàn trả khoản vay của mình một cách dễ dàng trước thời gian đã định.
Nhược điểm
- Nguy cơ mất nhiều tiền hơn, khi sử dụng Margin có thể giúp bạn có cơ hội đạt được nhiều lợi nhuận hơn, nó cũng dẫn đến nguy cơ của việc mất nhiều tiền hơn so với giao dịch thông thường.
- Chi phí phát sinh, bởi vì là vay tiền từ các sàn giao dịch để đầu tư nên bạn cũng sẽ phải chị thêm một khoản phí nhỏ nữa gọi là lãi suất vay nợ. Nó hoạt động giống với cơ chế vay nợ của ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn bởi vậy nếu tình trạng này kéo dài nó sẽ tiêu tốn của bạn chi phí cao.
- Căng thẳng, giao dịch tiền điện tử cần sự tập trung cao. Đặc biệt trong giao dịch Margin, khi bạn vay tài sản từ bên thứ ba (sàn giao dịch), bạn sẽ phải tạo ra lợi nhuận cao và nhanh chóng nếu không muốn chịu lãi suất vay trong thời gian dài.
Futures Trading là gì?
Định nghĩa
Future hay còn gọi là hợp đồng tương lai là một giao dịch mua/bán hàng hóa ở một thời gian nhất định ở tương lai, với mức giá được định trước. Đến đúng thời điểm đó, giao dịch mua/bán phải được thực hiện với giá định trước, bất kể giá lúc đó như thế nào.
Khi giao dịch Futures, bạn không sở hữu tài sản mà sở hữu hợp đồng, hay là “Contracts”. Hợp đồng này không thể chuyển giao mà chỉ có thể đóng lại trước thời hạn.
Ví dụ: Bạn dự đoán giá ETH/USDT (hiện là 500 USDT chẳng hạn) tiếp tục giảm về 450 USDT và muốn kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá này. Bạn có thể mở hợp đồng tương lai tại Binance với số vốn 1.000 USDT và đòn bẩy x20 (vốn bạn có thể dùng là 20.000 USDT). Khi đó, nếu ETH/USDT giảm về 450 như bạn dự đoán, tức khoảng 10%, bạn sẽ có lợi nhuận 10% từ 20.000 USDT tức khoảng 2.000 USD. Như vậy, chỉ với 1.000 USDT bạn đã kiếm được lợi nhuận 2.000 USD (x3) chỉ với chênh lệch giá 10%.
Trong Future ta còn có khái niệm Future Margin, tức là bạn sẽ ký quỹ một khoản tiền để được vay thêm tiền vào lệnh, tối đa đến 100x (Bitmex) hoặc 125x (Binance). Việc margin sẽ giúp bạn tối đa lợi nhuận hoặc tăng rủi ro lên nhiều lần (nguy cơ cháy tài khoản và mất toàn bộ tiền ký quỹ).
Do không mua bán thực sự nên Future Trading là thị trường phái sinh. Với mức giá mua bán được dựa trên thị trường giao ngay. Tuy nhiên, đôi khi có những thời điểm số lượng lệnh bị thanh lý quá nhiều (do trader không đủ tiền ký quỹ), giá trên Future sẽ chạy nhanh hơn so với thị trường giao ngay. Trên biểu đồ sẽ có những râu nến rất dài, đôi khi về 0, người ta hay gọi đó là “kill margin”.
Phí phải trả cho giao dịch Future là Funding Rates, phí này để bù đắp cho sự chênh lệch giá giữa thị trường phái sinh và thị trường giao ngay. Phí này có thể là dương (bạn trả tiền) hoặc là âm (bạn nhận được tiền). Phí này không cố định, thay đổi mỗi 8 tiếng tùy vào sự cân đối giữa lệnh mua/bán trên thị trường.
Ưu điểm
- Khi giao dịch hợp đồng tương lai, sử dụng chiến lược đầu tư hợp lý có thể giúp cho bạn kiếm được lợi nhuận cho dù thị trường có lên hoặc xuống.
- Với việc sử dụng đòn bẩy, các nhà giao dịch khi sử dụng Futures có thể gia tăng khoản lợi nhuận của mình gấp nhiều lần.
- Nhiều nhà giao dịch sử dụng giao dịch hợp đồng tương lai như một sự bảo hiểm (hedging) chống lại thị trường, điều này làm cho nó được tin dùng bởi nhiều nhà đầu tư cho bất kỳ danh mục đầu tư nào.
Nhược điểm
- Những sự thay đổi bất thường trong tương lai có thể là may mắn nhưng cũng là một sự đe dọa đến tài sản của bạn.
- Đối với những nhà đầu tư mới nếu sử dụng đòn bẩy khi giao dịch hợp đồng tương lai sẽ dẫn đến khoản lỗ đáng kể thậm chí là cháy tài khoản.
So sánh sự khác nhau giữa Margin và Futures trên Binance
Khái niệm về giao dịch Margin và Futures tương đối giống nhau, vì thế các bạn có thể tham khảo các thông tin sau:
Margin | Futures | |
Đòn bẩy | Có | Có |
Tỷ lệ | 3x-10x | 1x-125x |
Thị trường | Thị trường thực giống Spot | Thị trường phái sinh |
Phí | Phí thường + Lãi suất | Funding rate |
Long/Short | Có | Có |
Rủi ro | Cao | Rất cao |
Cháy tài khoản | Có | Có |
Điểm giống nhau giữa Margin và Futures
- Đều là giao dịch ký quỹ, sử dụng đòn bẩy
- Đều có thể kiếm được lợi nhuận 2 chiều, khi thị trường lên hoặc xuống
- Vị thế có thể bị thanh lý, nếu rủi ro quá cao
- Khi mở vị thế, có thể tùy chọn Cross hoặc Isolate
Điểm khác nhau giữa Margin và Futures
- Hệ số đòn bẩy: Sự khác biệt giữa Margin và Futures trên Binance rõ nhất có lẽ là hệ số đòn bẩy. Ở Margin, hệ số đòn bẩy tối đa chỉ 10x, nhưng ở Futures có thể lên tới 125x.
- Nạp tiền: Với Margin, bạn có thể chuyển bất cứ Stablecoin, Altcoin hay Bitcoin vào để giao dịch. Còn Futures bạn chỉ được phép chuyển Stablecoin và rút ra cũng vậy.
- Thị trường: Ở Margin biến động là thị trường thực Spot, còn Futures là thị trường phái sinh, nên có sự chênh lệch với thị trường Spot. Điều này, có thể gây ra những dự đoán xu hướng sai lệch cho các Trader, khiến bạn bị mất tiền.
- Phí giao dịch: Margin chỉ áp dụng phí thường và lãi suất. Còn đối với Futures thì sử dụng Funding rate – Phí này có thể tăng cao lên tới 0,5% khi thị trường hưng phấn, biến động mạnh. Trong 1 ngày, Trader có thể phải trả 3 lần phí Funding Rate, bởi cứ sau 8 tiếng, hệ thống sẽ Reset lại một lần.
- Rủi ro: Về cơ bản, 2 hình thức giao dịch này đều có rủi ro cao hơn nhiều so với thị trường Spot. Nhưng riêng Futures có mức rủi ro lớn hơn, bởi hệ số đòn bẩy lên tới 125x, vì thế chỉ cần bạn dự đoán sai biến động rất nhỏ của thị trường, cũng có thể khiến vị thế bị thanh lý.
Kết luận
Qua bài viết này, DeFiX.Network hy vọng sẽ giúp các đọc giả hiểu thêm được về Margin và Futures. Để trade thắng lợi thì có rất nhiều yếu tố quyết định nhưng việc quản lý kế hoạch quản lý vốn sẽ giúp các nhà đầu tư giữ được tâm lý tốt hơn khi trade.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ, hướng dẫn tiếp theo. Chúc các bạn đầu tư thành công!