Người dùng tự thừa nhận hành vi sybil với LayerZero sẽ được nhận 15% mức airdrop trên lý thuyết, còn không thì sẽ mất trắng.
Trong một động thái hết sức bất ngờ, dự án cross-chain LayerZero đã đưa ra yêu cầu người dùng tự báo cáo hành vi sybil của bản thân để không bị loại khỏi danh sách nhận airdrop.
Cụ thể, LayerZero cho biết sau 2 năm hoạt động, giao thức đã ghi nhận được hơn 6 triệu ví tương tác với giao thức. Thông tin này cũng được CEO Bryan Pellegrino xác nhận cách đây không lâu.
Khi LayerZero chuẩn bị cho sự kiện airdrop token sắp tới, dự án muốn đề cao hoạt động của người dùng thật và có đóng góp bền vững, thay vì những người chỉ chực chờ muốn kiếm token rồi thoát hàng qua hành vi sybil – tức tạo thật nhiều ví rồi thực hiện những giao dịch cơ bản nhằm đạt đủ điều kiện nhận airdrop.
Chính vì vậy, LayerZero đã mở cổng khai báo sybil cho người dùng, với cam kết:
– Những ai thành thật khai báo sẽ được phép giữ lại 15% lượng airdrop mà các địa chỉ của họ có thể được nhận;
– Những ai không khai báo và bị hệ thống của LayerZero đánh dấu sybil thì sẽ bị trừ toàn bộ airdrop.
Người dùng sẽ có 14 ngày để khai báo, với hạn chót là 06:59 AM ngày 18/05/2024 (giờ Việt Nam).
Tiếp đó, LayerZero sẽ công bố danh sách các địa chỉ bị đánh dấu sybil, cũng như mở chương trình bounty để người dùng cung cấp bằng chứng tố cáo hoạt động sybil. Những ai tìm được bằng chứng thuyết phục sẽ nhận thưởng là 10% lượng airdrop mà địa chỉ sybil do họ phát hiện đáng lý được nhận.
LayerZero còn đưa ra ví dụ về những hành vi được dự án xem là sybil:
– Là người dùng đơn lẻ nhưng lại có hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn ví tham gia farm airdrop;
– Là người mint NFT vô giá trị rồi chuyển chúng qua lại giữa các chain để được tính điểm tương tác;
– Là người sử dụng các phần mềm sybil như Merkly, L2Pass, L2Marathon, v.v.
– Là người sử dụng cầu nối để chuyển 0.01 USD nhiều lần giữa các chain;
LayerZero còn đưa ra tuyên bố đáng chú ý:
- “Nếu bạn tự nghi ngờ bản thân là có hành vi sybil, thì bạn đích thực là sybil.”
Để tự báo cáo bản thân, người dùng cần truy cập cổng khai báo sybil.layerzero.network, kết nối các ví đã sybil và ký xác nhận quyền sở hữu địa chỉ ví. LayerZero thậm chí còn cung cấp API cho những ai có hàng nghìn ví farm airdrop thực hiện quá trình báo cáo một cách nhanh gọn.
Kết thúc bài viết, LayerZero tiếp tục nhấn mạnh việc dự án đề cao hoạt động thật của người dùng và sẽ tưởng thưởng cho những ai thật sự xứng đáng.
CEO LayerZero Bryan Pellegrino cho biết chỉ sau nửa giờ đồng hồ mở cổng, dự án đã nhận được thông tin “thú tội” của một cụm sybil lên đến 500 ví.
Cộng đồng tiền mã hóa đang có nhiều ý kiến trái chiều về nước đi trên của LayerZero. Trong khi không ít người tán đồng quyết định lọc sybil của dự án, một số bày tỏ sự quan ngại khi LayerZero tuyên bố Merkly là ứng dụng sybil, bởi đây là sản phẩm đã được LayerZero phê duyệt và đang là giao thức được sử dụng phổ biến thứ hai trên LayerZeroScan; cũng như khả năng chuyển token cross-chain ít tốn gas là một trong những ưu điểm của LayerZero nhưng giờ lại bị mang ra để lọc sybil.
Một số ý kiến cũng bất bình về việc LayerZero ban đầu dựa vào hoạt động farm airdrop của người dùng để phát triển giao thức và thu hút sự chú ý từ cộng đồng qua những chỉ số như volume giao dịch hay TVL, nhưng giờ lại tìm những cách thức vô cùng khắt khe để đào thải những người dùng có hành vi sybil, song vẫn nêu cao khẩu hiệu “Users first”.
Có thể thấy quyết định thanh lọc bộ phận người dùng sybil của LayerZero là một nỗ lực nhằm mang đến sự công bằng cho mảng airdrop – phân khúc mà trong thời gian qua liên tục gặp chỉ trích không chỉ vì việc phân bổ token mới không công bằng, để vốn hóa pha loãng lên cao ngất ngưởng trong khi lượng cung ban đầu lại rất thấp, mà còn bị dự án lợi dụng để “farm ngược” người dùng thông qua các chương trình điểm thưởng, airdrop theo từng đợt, cũng như cố tính che giấu thông tin quan trọng và mập mờ trong lịch trình mở khóa. Những dự án bị chỉ trích gần đây gồm có EigenLayer, Renzo, Starknet và mới nhất là friend.tech.