Ngày 25 tháng 7 năm 2017, chính phủ Mỹ đã đánh sập sàn giao dịch BTC-e thông qua cáo buộc là đã cố ý trợ giúp rửa tiền cho vụ hack sàn giao dịch Mt. Gox, các virus tống tiền, các giao dịch phạm pháp trên chợ đen, và khuyến khích việc rửa tiền tại đây mặc dù biết nguồn gốc của những giao dịch đó.
Sự kiện này là một đòn giáng cực mạnh tới cộng đồng giao dịch ngầm trực tuyến và một số người sử dụng Bitcoin tại Việt Nam. Phần đông người giao dịch ngầm tại Việt Nam sử dụng BTC-e vì sàn này không có bất kỳ yêu cầu và hạn chế nào cho việc xác minh danh tính khách hàng (KYC), chống rửa tiền (AML), dẫn tới việc mất toàn bộ số tiền đang lưu trữ tại đây.
Sự kiện này đánh dấu sự chấm hết cho các sàn giao dịch Bitcoin lớn không tuân thủ pháp luật, đặc biệt là không có KYC/AML và không đăng ký, và được ví như sự kiện Liberty Reserve bị chính phủ Mỹ đánh sập từ năm 2013.
Vậy KYC/AML là gì, hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!
KYC là gì?
KYC (viết tắt của Know Your Customer) có nghĩa là Xác minh khách hàng của bạn. Khi một người dùng mới muốn đăng kí trên sàn giao dịch, các thủ tục KYC được thực hiện để xác định chính xác danh tính khách hàng.
Điều này cho phép các sàn giao dịch định mức giá trị rủi ro mà khách hàng đem lại dựa trên hoạt động tài chính khả nghi của họ. Việc tuân thủ các quy định của KYC có thể giúp ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và nhiều âm mưu gian lận hàng loạt khác.
AML là gì?
AML hay Anti Money Laundering (chống rửa tiền) đề cập đến tập hợp các thủ tục, luật pháp và quy định được thiết kế để ngăn chặn các hành vi kiếm thu nhập thông qua các hành vi bất hợp pháp.
Nguyên nhân vì từ trước tới nay, giao dịch tiền điện tử luôn được coi là ‘miếng mồi ngon’ mà các đối tượng tội phạm tài chính nhăm nhe nuốt trọn. Chúng lợi dụng tính ẩn danh của tiền điện tử để thực hiện các hành vi phạm pháp như buôn hàng cấm, trốn thuế, khai thác công nghệ để rửa tiền và xóa sạch dấu vết phạm tội.
Do đó, để ngăn chặn các hành vi phạm tội này bành trướng toàn cầu, các cơ quan có thẩm quyền buộc các sàn giao dịch phải tiến hành xác minh khách hàng của họ. Đồng thời, họ phải thực hiện gắn cờ cũng như báo cáo những khách hàng và giao dịch đáng nghi. Trong đó, giai đoạn đầu tiên trong tiến trình AML chính là KYC.
Tại sao cần phải KYC trên các sàn giao dịch
Chúng ta đều biết đặc điểm của Crypto là hướng tới nền tài chính phi tập chung, và giao dịch ẩn danh. Tuy nhiên việc giao dịch ẩn danh lại gặp một số rủi ro, dễ thấy nhất là vấn đề về việc rửa tiền.
Một tên tội phạm nào đó có thể đem số tiền đánh cắp được lên sàn giao dịch và mua về một lượng Bitcoin sau đó bán lại ra tiền mặt mà không bị truy xuất nguồn gốc. Nếu tất cả các giao dịch đều ẩn danh thì việc rửa tiền rất dễ dàng mà không để lộ danh tính. Còn khi áp dụng quy định KYC thì các sàn sẽ có một Blacklist liệt kê các cá nhân phạm tội. Nhờ có KYC, danh tính cũng như khoản tiền phi pháp đã giao dịch kia sẽ được báo cáo tới FinCEN (Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính) nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền ngay từ đầu.
Bên cạnh đó việc KYC còn có tác dụng hỗ trợ bảo mật nhiều lớp, bảo vệ sự an toàn tài khoản và tránh các thất thoát do hacker xâm nhập.
Ở cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, các sàn giao dịch fiat-to-crypto đều cần phải thực hiện các chương trình AML nghiêm ngặt. Người dùng đăng ký lần đầu sẽ phải cung cấp tên đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại hợp lệ, số an sinh xã hội và email của họ. Khi rút tiền, người dùng phải gửi các giấy tờ tùy thân hợp lệ do chính phủ cấp, chẳng hạn như hộ chiếu hoặc bằng lái xe, để xác minh danh tính của họ.
Hoa Kỳ ban hành các chính sách khá nghiêm khắc cho giao dịch crypto-to-crypto.Do đó, phần lớn các sàn giao dịch tiền điện tử chỉ chặn công dân Hoa Kỳ truy cập vào các dịch vụ của họ, bởi họ sẽ phải triển khai KYC với những khách hàng này.
Nếu không tồn tại xác minh KYC, các sàn giao dịch tiền điện tử có thể phải chịu rất nhiều trách nhiệm khi mà người dùng thoát được phạm vi lưới pháp luật bằng cách không thực hiện xác minh KYC. Do đó, sử dụng KYC là một trong những nỗ lực của tất cả các sàn giao dịch lớn để duy trì tuân thủ chống rửa tiền (AML).
Quy trình tiến hành KYC trong Crypto
Bước 1: Thu thập thông tin nhận dạng cá nhân (PII)
Đây là bước nền tảng của toàn bộ quy trình KYC, bao gồm việc thu thập các thông tin nhận dạng cá nhân như họ và tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ. Điều này được xác minh dựa trên tài liệu chính thức do chính phủ cấp. Chẳng hạn như hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe và bằng chứng địa chỉ của họ, chẳng hạn như hóa đơn điện nước.
Bước 2: Thẩm định thông tin
Quá trình thẩm định thông tin này dựa trên các cơ sở dữ liệu chính thức rằng khách hàng đó có tiếp xúc với chính trị (PEP) và có bất kỳ tiền án, tiền sự nào hay không. Điều này cho phép các nhà môi giới hiểu rõ hơn về rủi ro xảy ra rửa tiền và tội phạm tài chính của từng khách hàng.
Sau khi đã có dữ liệu xác minh của khách, sàn giao dịch có thể đối chiếu với cơ sở dữ liệu nội bộ và bên thứ 3 để chấm điểm tín dụng, đánh giá rủi ro và xác thực kĩ hơn về thông tin khách hàng khai báo. Từ đó ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối giao dịch với khách hàng.
Bước 3: Giám sát liên tục
Việc giám sát liên tục đảm bảo rằng thông tin KYC của khách hàng luôn được cập nhật và cho phép hệ thống liên tục xem xét các giao dịch đáng ngờ có thể xuất hiện.
Ví dụ: Tại Mỹ, nếu xuất hiện giao dịch có giá trị lớn trên một sàn giao dịch tiền điện tử đến một quốc gia thuộc diện theo dõi khủng bố, giao dịch đó sẽ bị chú ý và cảnh báo. Tùy thuộc vào cuộc điều tra, sàn giao dịch có thể tạm ngưng tài khoản của khách hàng đáng nghi, báo cáo vụ việc cho các cơ quan công quyền và thực thi pháp luật khi cần thiết.
Kết luận
Các quy định KYC là các bước phải bắt buộc đối với các sàn giao dịch tiền mã hoá lớn vì nó giúp sẽ đảm bảo các sàn này tuân thủ các quy tắc và luật pháp quy định nhất định. Thời gian trước đây, nhiều sàn giao dịch tiền điện tử rất hiếm yêu cầu thông tin xác nhận KYC, nhưng khi giá và lãi suất tiền điện tử tiếp tục tăng, mối lo ngại về các hoạt động tội phạm như rửa tiền và nhiều hoạt động bất hợp pháp đã gia tăng nên cần được giám sát một cách chặt chẽ hơn.
Bạn nghĩ sao về quy định KYC của các sàn giao dịch? Hãy bình luận bên dưới để cùng DeFiX thảo luận nhé.
View Comments (0)