Các đối thủ so kè với friend.tech đang tăng trưởng ấn tượng, không chỉ lượng người dùng mà còn số tài sản được gửi trên giao thức (TVL).
Theo tổng hợp của DefiLlama, hai dự án mạng xã hội web3 mới nổi Tomo và New Bitcoin City đã cán mốc 1 triệu USD TVL. Con số này biểu thị tổng tài sản đang được nắm giữ trong giao thức và là thước đo “sức khỏe” tổng thể của nền tảng.
Tomo và New Bitcoin City đều lấy cảm hứng từ friend.tech, từng tạo “cơn sốt” và khuấy đảo layer-2 Base khi mới ra mắt. Những giao thức socialfi này sử dụng cơ sở dữ liệu người dùng lấy từ X (Twitter), vì vậy người dùng không cần tạo mới thông tin cá nhân.
Nhìn chung các nền tảng đánh vào ngách kết nối KOL và người dùng phổ thông. Để có cơ hội trò chuyện với một tài khoản được nhiều follower, người dùng bắt buộc mua token (hay key) của KOL đó. Về bản chất, key là một token ERC nhưng thông tin lại được lưu trữ ngoại tuyến và biến động giá dựa trên nhu cầu mua bán trên thị trường.
Nhờ ý tưởng “mới lạ” cộng với việc lôi kéo nhiều KOL (cả thị trường truyền thống) tham gia, friend.tech nhanh chóng lên ngôi và xuất hiện thêm nhiều “bản sao” trên các chain khác. Nếu như Arbitrum có PostTech và cipher.rip, Avalanche có Stars Arena thì Tomo được phát triển trên Linea và New Bitcoin City hoạt động trên layer-2 của Bitcoin – NOS.
Tomo khác biệt với friend.tech ở một số khía cạnh, chẳng hạn như khả năng nhắn tin trực tiếp với người dùng khác, hay tính năng cá cược key. Ví dụ, key của Elon Musk hiện đang ở mức 0,478 ETH (743 USD), đây chính là giá khởi điểm cho việc giao dịch nếu vị tỷ phú tham gia nền tảng.
Trái với Tomo, New Bitcoin City lại có cách tiếp cận khác hơn và định vị mình như một social layer, nơi tập hợp người dùng từ các mạng xã hội khác. Ngoài ram Nền tảng còn cung cấp nhiều tính năng khác, đơn cử là cho phép người dùng tự thiết lập phí mua key (0-8%) và số lượng key cần để tham gia nhóm của họ…
Trước đó, đối thủ Stars Arena cũng đã nhanh chóng vượt mốc 1 triệu USD TVL, trước khi bị rút cạn thanh khoản trong vụ hack này 07/10. Theo thông báo mới nhất, nền tảng vừa mở cửa trở lại, nhưng vẫn chưa cho phép giao dịch.
Nhìn chung, friend.tech vẫn đang duy trì ưu thế là người đi đầu và vượt trội về TVL so với các nền tảng “sao chép”. Song cũng chính áp lực tiên phong đang trở thành gánh nặng của nền tảng, đặc biệt là sau loạt sự cố bảo mật từ cuối tháng 8 đến nay, số lượng người dùng mới dần hạ nhiệt và sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh.