Với 279 phiếu ủng hộ và 136 phiếu phản đối, Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua Đạo luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ cho Thế kỷ 21 (FIT21) vào ngày 22/05.
Vào ngày 22/05/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Đổi mới Tài chính và Công nghệ Thế kỷ 21” (FIT21 hay còn được gọi là HR 4763) với 279 phiếu thuận và 136 phiếu chống. Đây là lần đầu tiên một dự luật về tiền mã hoá được bỏ phiếu ở cơ quan lập pháp cấp cao nhất xứ cờ hoa.
FIT21 nhằm trao thêm quyền lực cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) để giám sát thị trường tiền mã hoá, cũng như là “hàng hóa kỹ thuật số” dựa trên khung pháp lý cho tài sản số mà dự luật này thiết lập.
Dự luật thiết lập một quy trình cho phép giao dịch hàng hóa kỹ thuật số trên thị trường thứ cấp. Đồng thời, dự luật cũng sẽ cung cấp các điều khoản quản lý stablecoin và những biện pháp ngăn chặn rửa tiền để đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong giao dịch.
Giám đốc quan hệ Chính phủ tại Hiệp hội Blockchain Ron Hammond nhận định FIT21 sẽ là bước ngoặt lớn khi đề luật có khả năng đẩy lùi những rào cản pháp lý mà Chủ tịch SEC đã xây dựng trong nhiều năm qua. Hơn nữa, quan điểm của Quốc hội Mỹ về tiền mã hóa đang dần thay đổi, ông cho rằng:
- “Mối liên kết giữa cử tri ủng hộ tiền mã hoá và cuộc bầu cử sắp tới là vô cùng rõ ràng. Dường như chính quyền Biden đang dần nhận ra hậu quả có thể xảy ra nếu tiếp tục duy trì chính sách hiện hành.”
Chính quyền Tổng thống Biden đã lên tiếng phản đối FIT21 nhưng cũng không phủ quyết dự luật này nếu được Hạ viện thông qua.
Phản đối dự luật, bà Maxine Waters, thành viên Dân chủ cấp cao của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, cho rằng FIT21 là một trong những dự luật tồi tệ nhất mà bà từng thấy khi cho phép các công ty tài chính hoạt động mà không cần sự giám sát của SEC. Bà Waters cảnh báo:
- “FIT21 sẽ bãi bỏ các quy định về tiền mã hoá và một số loại chứng khoán truyền thống khiến tôi và các chuyên gia khác bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng về rủi ro dự luật này có thể gây ra sụp đổ và suy thoái thị trường.”
Chủ tịch SEC Gary Gensler cũng đã chỉ trích FIT21 và cho rằng dự luật này sẽ tạo ra những khoảng trống mới trong quy định và làm suy yếu các tiền lệ đã tồn tại hàng thập kỷ về việc giám sát các hợp đồng đầu tư, đặt nhà đầu tư và thị trường vào những rủi ro không thể lường trước được.
Mặc dù FIT21 đã được Hạ viện thông qua nhưng khả năng cao là Thượng viện sẽ không xem xét dự luật này trong năm nay. Tuy nhiên, đạo luật này có thể đóng vai trò là nền tảng cho kỳ Quốc hội sắp tới vào tháng 01/2025.
Hiện tại không có dự luật đồng hành cho FIT21 tại Thượng viện, và các nhà lập pháp hàng đầu tại Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát vẫn chưa thể hiện sự quan tâm đối với đạo luật này.
Dự luật FIT21 được xem là một bước ngoặt lớn, thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của Quốc hội đối với tiền mã hoá. Nếu được Thượng viện thông qua và ký thành luật, dự luật sẽ làm rõ vai trò của SEC và CFTC đối với tài sản số.
Sắp tới, Hạ viện sẽ tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu về HR 5403, Đạo luật ngăn chặn Ngân hàng Trung Ương phát hành tiền tệ kỹ thuật số (CBDC) thông qua các bên trung gian.