Trong đầu tư tài chính chúng ta thường hay nghe mọi người nhắc đến FED, và bàn tán nhiều về những chính sách mới của FED. Vậy FED là gì? Và đóng vai trò như thế nào trong lĩnh vực tài chính, bài này mình sẽ chia sẻ một số hiểu biết cá nhân của mình về FED, mong giúp mọi người có thêm thông tin về tổ chức này.
FED là gì ?
Như chúng ta đã biết thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED là ngân hàng trung ương lớn nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Lí do đơn giản là bởi họ là tổ chức nắm trong tay đồng ngoại tệ mạnh nhất trên thế giới, được sử dụng cho mọi hoạt động trao đổi, thương mại trên toàn thế giới đó là đồng Đô-la.
Các loại hàng hóa quan trọng nhất hiện tại trên thế giới như: vàng, dầu mỏ, lúa mì , cà phê.. gần như hoàn toàn sử dụng USD để trao đổi. Vậy nên USD gần như là loại tiền được chính phủ các nước sử dụng để làm nguồn dự trữ quốc gia
Chính vì mọi hoạt động giao dịch thương mại đều gắn với đồng Đô-la nên Đô-la được coi như đồng tiền chung của toàn thế giới, vậy nên tổ chức nắm quyền kiểm soát Đô-la trong tay đương nhiên là tổ chức có tầm ảnh hưởng rất lớn tới thế giới.
Sự ra đời của FED
Trong khoảng thời gian từ giữ thế kỉ 19 sang tới đầu thế kỉ 20 là khoảng thời gian mà các tổ chức tài chính Ngân hàng tư nhân đang thống trị toàn châu Âu, nền tài chính các quốc gia lớn thời điểm đó như : Anh, Pháp, Phổ, Ý, Áo, Hà Lan… đều nằm gọn trong tay các gia tộc ngân hàng nổi tiếng như : Rothschild, Baring, Hope…
Khi đã kiểm soát được Cựu lục địa trong tay, lúc này họ bắt đầu nhắm tới miền đất mới rộng lớn và còn “hoang vu” được gọi là Tân thế giới- nước Mỹ. Mục đích của việc các gia tộc này khi đến Mỹ là để lên kế hoạch kiểm soát việc phát hành tiền tệ của Mỹ. Họ kết hợp cùng các gia tộc lớn tại Mỹ thời đó như: J.P Morgan, Rockefelller tạo lên cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 1907, Quốc hội Hoa Kỳ thành lập “Ủy ban tiền tệ quốc gia” với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cải cách hệ thống ngân hàng. Năm 1910, Nelson Aldrich tìm kiếm sự giúp đỡ từ các ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ với mong muốn dự thảo một kế hoạch hoàn chỉnh, xây dựng cho Hoa Kỳ một hệ thống tài chính tiên tiến như của Anh và Đức. Ông cùng các chuyên viên đại diện của các định chế tài chính lớn khi đó là J.P. Morgan, Rockefeller, và Kuhn, Loeb và Công ty, dành riêng một tuần thảo luận tại đảo Jekyll (ngoài khơi bang Georgia). Đại diện của Kuhn, Loeb và Công ty là Paul Warburg (chuyên gia tài chính gốc Đức và là người thuộc hệ thống của gia tộc Rothschild) chủ trì việc xác lập những ý cơ bản của Đạo luật Dự trữ liên bang.
Aldrich sau đó giới thiệu kế hoạch của ông về ngân hàng trung ương với tên “dự luật Aldrich”, đề xuất thành lập “Tổ chức Dự trữ liên bang” (Federal Reserve Association). Dự luật này trở thành một phần trong chính sách của đảng Cộng hòa ở Quốc hội nhưng không được phê chuẩn năm 1911 khi đa số quốc hội thuộc về đảng Dân chủ.
Năm 1913, Tổng thống đảng Dân chủ Woodrow Wilson phải tác động để kế hoạch của Aldrich được thông qua dưới sự đỡ đầu của thế lực đảng Dân chủ với tên mới là “Đạo luật Dự trữ liên bang”. Quốc hội thông qua “Đạo luật Dự trữ liên bang” cuối năm 1913. Paul Warburg và các chuyên gia xuất sắc khác được chỉ định điều hành hệ thống non trẻ. Fed đi vào hoạt động năm 1915 và đóng vai trò chủ chốt tài trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ và phe liên minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Vị thế của FED
Với việc nắm quyền in Đô-la duy nhất trên thế giới, sức ảnh hưởng của FED là không cần bàn cãi. Khả năng có thể nâng hạ lãi suất đối với đồng Đô-la, FED không chỉ là tổ chức lãnh đạo tài chính của Mỹ mà còn đối với cả thế giới.
Mỗi thay đổi trong chính sách của FED đều có tầm ảnh hưởng tới tài chính toàn cầu, điển hình là sau những cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) nơi giúp FED trực tiếp hoạch định các chính sách tiền tệ nhằm gia tăng cơ hội việc làm và ổn định giá cả. Thời gian với tình hình lạm phát tăng cao chưa từng có trong lịch sử Mỹ suốt 40 năm qua, theo công bố lạm phát tháng vừa rồi của Mỹ là khoảng 8,3%. Sau mỗi cuộc họp của FOMC khi có thông tin hoặc quyết định về việc tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ ngay ngày hôm sau chúng ta có thể thấy là thị trường tài chính biến động mạnh với nhiều lo ngại, giá chứng khoán sụt giảm, giá vàng,lợi suất trái phiếu Mỹ tăng do lo ngại về lạm phát.
Và việc thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới khi mà mọi đồng nội tệ nào cũng đều được neo với giá Đô-la.
Như năm 2020, thời điểm dịch Covid hoành hành khắp thế giới kéo nền kinh tế như đi vào ngõ cụt FED lúc đó đã ra chính sách mới giảm lãi suất về 0%, ngoài ra còn thực hiện bơm tiền ra nền kinh tế khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 FED đã mua khoảng 3000 tỷ USD trái phiếu và chứng chỉ quỹ ETF con số nhiều hơn cả GDP Ấn Độ năm 2019 để kéo thị trường không đi vào cơn khủng hoảng. Ngay lập tức thị trường Tài chính nở rộ, sắc xanh bao trùm mọi thị trường, thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại kết thúc phiên cuối cùng của năm 2020 trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7%, lên 30.606,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.756,07 điểm, trong khi chỉ số công nghệ NASDAQ Composite tiến 0,1% và khép phiên ở mức 12.888,28 điểm.
Trên thị trường tiền điện tử cũng vậy, khi Bitcoin có đà tăng mạnh từ mốc hơn 4000$ đầu năm 2020 lên tới hơn 60000$ đầu năm 2021.

Còn tại thị trường Việt Nam chứng khoán cũng đạt đỉnh vào đầu năm 2021 khi phá mức đỉnh 1200 từ năm 2018.

Tại sao đầu tư cần quan tâm tới chính sách của FED
Qua ví dụ ở trên chúng ta có thể thấy sức mạnh của FED nằm ở khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ, nói đơn giảm là FED có thể nâng hạ lãi suất tùy theo tình hình để cân bằng nền kinh tế.
Việc hạ lãi suất sẽ làm cho tiền lưu thông trong nền kinh tế sẽ nhiều hơn đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất, kích cầu nền kinh tế làm ra nhiều của cải hơn, thị trường tài chính cũng do đó sẽ được hưởng lợi từ chính sách đó. Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh làm ra nhiều lợi nhuận thì đương nhiên việc đầu tư tài chính cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
Nhưng sau thời gian bơm tiền kích cầu nền kinh tế, lượng cung trong nền kinh tế vượt cầu sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát đây sẽ là lúc ra tay “khóa van” tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, cân đối bảng tài chính kế toán hạn chế mua thêm tài sản và bán bớt tài sản đi. Điều đó sẽ làm hạn chế lượng cung tiền trong nền kinh tế giảm đi, các doanh nghiệp đi vay sẽ chịu áp lực nhiều hơn trong việc vay nợ , thặng dư sẽ giảm đi kéo nền kinh tế về mức cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng điều này cũng áp lực lên thị trường tài chính sau giai đoạn chính sách tiền tệ lới lỏng. Khi lợi nhuận từ các tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ giảm đi bởi chịu áp lực nợ vay nhiều hơn.

Ngoài ra, do áp lực từ lạm phát nhiều người sẽ tìm đến những tài sản an toàn hơn, bảo vệ tài sản tốt hơn trước lạm phát như: vàng, trái phiếu chính phủ, hạn chế mua vào tài sản cổ phiếu, tiền điện tử vì chịu nhiều rủi ro hơn .
Đây là bài chia sẻ về 1 số góc nhìn của mình về FED, mong mang tới cho mọi người thêm thông tin để tiếp tục trên con đường đầu tư tài chính.