El Salvador đệ trình ngân sách không thâm hụt vào năm 2025

Tổng thống El Salvador sẽ trình bày ngân sách không thâm hụt cho năm 2025 lên Quốc hội. Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ El Salvador ngừng vay nợ cả trong lẫn ngoài nước. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 203 năm Quốc khánh của đất nước, Tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, tuyên bố sẽ đệ trình ngân sách không thâm hụt vào năm 2025 lên Hội đồng Lập pháp.

Bukele cam kết El Salvador sẽ không chi tiêu vượt quá số tiền mà quốc gia kiếm được, kể cả việc trả lãi nợ cũng từ nguồn thu nội địa mà không vay thêm. Ông tự tin đất nước sẽ trở nên độc lập hơn về tài chính, và thế hệ mai sau sẽ được kế thừa một nền kinh tế thịnh vượng.

Bộ trưởng Tài chính Jerson Posada cho biết đây là “lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ El Salvador có chính sách sách không phát hành nợ, cả trong nước lẫn ngoài nước”. 

Ông Bukele đang kiểm soát đa số ghế trong Quốc hội, với 57/60 vị trí từ đảng Nuevas Ideas của ông (54) và đồng minh (3).

Không thể phủ nhận tài lãnh đạo của Nayib Bukele. Tại thời điểm ông mới nhậm chức vào năm 2019, thâm hụt ngân sách của El Salvador lên đến 1,2 tỷ USD. Trong khi ngân sách năm 2024 của quốc gia Trung Mỹ này có tổng chi tiêu 9,1 tỷ USD, nhưng đã nỗ lực đưa khoản thâm hụt về con số 338 triệu USD.

Một điểm quan trọng là El Salvador không thể tự in tiền để giải quyết thâm hụt, vì vào năm 2001, nước này đã chuyển sang sử dụng USD làm tiền tệ chính thay cho đồng tiền quốc gia. Điều này có nghĩa là họ không kiểm soát việc phát hành tiền tệ, như nhiều quốc gia khác có thể làm với đồng tiền của mình.

El Salvador còn nổi tiếng là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận Bitcoin làm tiền tệ hợp pháp từ năm 2021. Tuy nhiên, việc sử dụng Bitcoin vẫn chưa đủ phổ biến để có thể giúp chính phủ giảm thâm hụt hay bù đắp cho chi tiêu một cách đáng kể.

Dù chính phủ không công khai chi tiết về việc mua Bitcoin, nhưng theo NayibTracker, El Salvador hiện nắm giữ 5.875 Bitcoin trị giá khoảng 330,4 triệu USD, với lãi chưa thực hiện ước tính khoảng 43,2 triệu USD. Cuối tháng trước, Bukele thừa nhận việc áp dụng Bitcoin chưa đạt được kỳ vọng ban đầu, nhưng không gây hậu quả tiêu cực nào.

Cũng trong tháng 8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thảo luận với chính quyền El Salvador và ghi nhận những tiến triển trong các cuộc đàm phán để triển khai một chương trình hỗ trợ, tập trung tăng cường tài chính công, tăng dự trữ ngân hàng, cải thiện quản trị minh bạch, và giảm thiểu rủi ro từ Bitcoin.

Nguyen Phong: