Người mua stablecoin không mong chờ lợi nhuận nên đây không phải là hợp đồng đầu tư, đại diện tổ chức phát hành USDC lập luận.
Viện dẫn vụ kiện SEC-Binance, nhà phát hành stablecoin Circle và quỹ đầu tư Paradigm vừa đưa ra chính kiến của mình trong hồ sơ mới nhất.
Circle: Giao dịch stablecoin không cấu thành hợp đồng đầu tư
Nêu quan điểm về lùm xùm kiện tụng giữa Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và sàn giao dịch Binance, Circle lập luận rằng không nên áp dụng luật giao dịch tài chính cho mảng stablecoin, vì chúng gắn giá trị với các tài sản khác.
Đầu tháng 06/2023, SEC đã buộc tội Binance tạo điều kiện giao dịch chứng khoán trá hình. Một số đồng coin bị cơ quan liệt vào diện chứng khoán thuộc thẩm quyền chẳng hạn như SOL (Solana), ADA (Cardano) và stablecoin BUSD (Binance BUSD)…
Từ trước đến nay, SEC vẫn luôn lấy lý do trên để nhắm đến ngành tiền mã hóa. Đồng thời điểm, Coinbase lãnh cáo buộc tương tự Binance. Song, các nền tảng mà SEC gây áp lực đều tìm cách lập luận tiền mã hóa nằm ngoài luật tài chính nặng tay hiện tại của Hoa Kỳ.
Theo Circle trình bày trong hồ sơ mới nhất, không thể xếp BUSD và USDC vào danh sách chứng khoán, vì người dùng không mong đợi bất kỳ lợi nhuận nào từ việc mua chúng. Đại diện Circle quả quyết:
- “Bản thân các stablecoin thanh toán không có các chức năng cơ bản của hợp đồng đầu tư, có nghĩa chúng nằm ngoài thẩm quyền của SEC. Nhiều án lệ trong hàng thập kỷ đã chứng minh điều đó.”
SEC cáo buộc BUSD được bán dưới dạng hợp đồng đầu tư, vì Binance hứa hẹn mang lại lợi nhuận cho khách hàng dưới dạng chương trình thưởng. Đến tuần trước, Binance, Binance.US và CEO Changpeng Zhao đã đệ đơn bác bỏ vụ kiện, tố ngược lại ủy ban đang lộng quyền đối với tài sản kỹ thuật số mà chưa được Quốc hội ủy quyền.
Heath Tarbert, Giám đốc Pháp lý của Circle đồng thời là cựu Chủ tịch CFTC, đã đệ trình hồ sơ dưới dạng amicus curiae. Theo luật Mỹ, amicus curiae là cá nhân hoặc tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ tòa án bằng cách cung cấp thông tin hoặc tư vấn luật.
Paradigm: SEC đang cố “bẻ” luật bằng vụ kiện chống lại Binance
Theo Paradigm, vàng, bạc và tác phẩm nghệ thuật có thể thu được lợi nhuận, nhưng việc bán chúng đồng nghĩa giao dịch chứng khoán.
Trong hồ sơ amicus curiae ngày 29/09, quỹ đầu tư mạo hiểm Paradigm cáo buộc Ủy ban Chứng khoán Mỹ làm đảo lộn nhận thức của công chúng về luật chứng khoán, thông qua các vụ kiện đang diễn ra. Nguyên văn Paradigm viết như sau:
- “Ở đây, SEC chỉ đang lợi dụng những cáo buộc mà họ đưa ra để thay đổi luật và phá vỡ quy trình xây dựng quy tắc. Rõ ràng là ủy ban đang vượt ngoài phạm vi thẩm quyền của mình và chúng tôi phản đối việc này.”
SEC đã tố Binance vi phạm luật chứng khoán, bao gồm không đăng ký làm sàn giao dịch, đại lý môi giới hoặc cơ quan thanh toán bù trừ. Song, đây cũng chỉ là một trong nhiều dự án tiền mã hóa mà SEC nhắm đến gần đây.
Ngoài ra, Paradigm còn nhấn mạnh những lo ngại liên quan đến việc áp dụng Howey Test của SEC. Cơ quan thường dựa vào Howey Test, bộ tiêu chí bắt nguồn từ một vụ kiện năm 1946, để xác định chứng khoán. Theo đó, một tài sản được coi là chứng khoán khi đáp ứng 3 tiêu chí sau:
- Là khoản đầu tư bằng tiền hoặc tài sản liên quan;
- Tiền được đầu tư vào một doanh nghiệp chung;
- Nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận từ việc đầu từ và tổ chức mở bán hoặc cung cấp khoản đầu tư.
- “Có một loạt tài sản được quảng bá và mua bán vì tiềm năng sinh lời của chúng nhưng hết lần này đến lần khác không phải là chứng khoán”, Paradigm lấy vàng, bạc và các tác phẩm nghệ thuật làm dẫn chứng.
Nhìn chung theo Paradigm, việc SEC xây dựng quy định crypto cần được Quốc hội Mỹ cho phép chính thức. Trong khi, SEC hiện tại chủ yếu dựa vào Howey Test và Đạo luật Chứng khoán để thi hành quyền lực. Hơn nữa, 2 tiêu chuẩn này đã khá lâu đời, nên khó lòng còn hiệu nghiệm với ngành crypto.
Trong phiên điều trần Nhà Trắng hôm 27/09, Chủ tịch SEC Gary Gensler tiếp tục nhận chỉ trích về lập trường quản lý crypto của cơ quan ông. Một nghị sĩ cáo buộc SEC không phải là một cơ quan vô tư công minh, đang quản lý bằng cách quấy rối ngành tài sản số.