Theo chuyên gia ngân hàng Standard Chartered, căng thẳng Trung Đông có thể khiến giá Bitcoin “rơi rụng” về dưới 60.000 USD, nhưng đây có thể là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư.
Góc nhìn của ngân hàng Standard Chartered
Rủi ro địa chính trị ở Trung Đông dường như được định sẵn để đẩy giá Bitcoin về dưới 60.000 USD. Geoff Kendrick, trưởng bộ phận nghiên cứu tài sản số của Standard Chartered, cho rằng sự sụt giảm có thể xảy ra trước cuối tuần này.
Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội “bắt dao”, nhất là khi quyền chọn mua Bitcoin ở mức 80.000 USD và khả năng Trump thắng cử tổng thống Mỹ đều đang tăng.
Tỷ lệ thắng cử giữa Donald Trump và Kamala Harris trong cuộc đua Nhà Trắng đang thay đổi, với xác suất Trump thắng tăng 1%, đưa cơ hội của bà Harris xuống còn 49%.
Nếu Trump tái đắc cử, điều này được coi là tích cực cho tiền mã hóa, bởi ông đã cam kết hỗ trợ lĩnh vực này rồi còn đang phát triển dự án DeFi World Liberty riêng. Chính quyền Trump cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ về các chính sách ủng hộ tiền mã hóa.
Ngược lại, nếu bà Kamala Harris thắng, giá Bitcoin có thể giảm do lo ngại về sự trì hoãn các chính sách tiền mã hóa, nhưng Kendrick tin rằng nhà đầu tư vẫn sẽ mua vào khi các tiến bộ về quy định được triển khai.
Kendrick còn nhấn mạnh, các vị thế quyền chọn mua Bitcoin đang tăng nhanh, cho thấy nhà đầu tư đang đặt cược vào xu hướng tăng giá. Cụ thể, lượng quyền chọn mua đáo hạn vào ngày 27/12 ở mức giá 80.000 USD trên sàn Deribit đã tăng thêm 1.300 Bitcoin trong hai ngày qua.
Dù vậy, Kendrick lưu ý rằng Bitcoin không đóng vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trước những bất ổn địa chính trị, vàng mới là vũ khí phòng hộ trong trường hợp này. Bitcoin nên được xem là phương tiện phòng ngừa rủi ro đối với các vấn đề tài chính truyền thống như sụp đổ ngân hàng, sự suy yếu của đồng đô la và tính bền vững của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Giá Bitcoin giảm gần 1% trong 24 giờ qua và đang được giao dịch quanh mốc 60.987 USD.
JPMorgan có cùng quan điểm
Các nhà phân tích Nikolaos Panigirtzoglou, Mika Inkinen, Mayur Yeole, và Krutik P Mehta của JPMorgan cũng đồng tình với Standard Chartered.
Các chuyên gia nhận định căng thẳng địa chính trị và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng và Bitcoin. Họ gọi đây là “giao dịch chống phá giá” (debasement trade).
Giá vàng đã tăng mạnh trong thời gian qua, đạt gần 2.700 USD vào cuối tháng 9, một phần do sự sụt giảm 4-5% của đồng đô la Mỹ và lãi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ giảm 50-80 điểm cơ bản.
Giao dịch chống phá giá được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố như lo ngại lạm phát dai dẳng, thâm hụt ngân sách ở các nền kinh tế lớn, và niềm tin suy yếu vào các loại tiền pháp định, đặc biệt ở một số thị trường mới nổi.
CryptoQuant cũng nhận thấy sự tương đồng giữa các xu hướng lịch sử của vàng và Bitcoin. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi lãi suất trái phiếu kho bạc giảm, giá vàng đã tăng từ 590 USD lên mức 1.900 USD/ounce vào năm 2011. Xu hướng tương tự đang diễn ra, với giá vàng tăng từ 2.000 USD lên gần 2.700 USD. Bitcoin, thường được coi là vàng kỹ thuật số, có thể sẽ đi theo mô hình này.
Tuy nhiên, Nhà phân tích J.A. Maartuun của CryptoQuant lưu ý thêm, mặc dù lãi suất giảm và lượng cung tiền M2 đang tăng, vàng đang hưởng lợi từ các điều kiện này, trong khi Bitcoin thì không, do đó giữa Bitcoin và vàng cũng không hẳn là tương đồng.