Bộ ba Blockchain hay Blockchain Trilemma là một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi rằng blockchain chỉ có thể mang lại hai trong ba lợi ích cùng một lúc liên quan đến phân quyền, khả năng mở rộng và bảo mật.
Bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về bộ ba bất khả của blockchain.
Blockchain Trilemma là gì?
Bộ ba bất khả thi là một giả thuyết kinh tế cho rằng không thể thực hiện đồng thời ba chính sách, bao gồm chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập để ổn định giá cả và dòng vốn tự do.
Trong blockchain cúng có một lý thuyết tương tự như vậy. Thuật ngữ “Blockchain Trilemma” được đặt ra bởi người đồng sáng lập Ethereum, Vitalik Buterin, để mô tả ba vấn đề cốt lõi mà các nhà phát triển phải đối mặt khi tạo blockchain. Ba yếu tố của Trilemma là phân quyền, bảo mật và khả năng mở rộng.
Để sử dụng Bitcoin làm ví dụ, phân quyền và bảo mật đã được ưu tiên trong quá trình phát triển của nó, điều đó có nghĩa là khả năng mở rộng đã bị hy sinh.
Ba yếu tố được liên kết về bản chất, và do đó nếu bạn thay đổi một yếu tố, bạn sẽ thay đổi các yếu tố khác.
Ba yếu tố của Blockchain Trilemma
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các trụ cột chính trong bộ ba bất khả thi của blockchain.
Tính phân quyền
Phân quyền là đặc tính trung tâm của công nghệ blockchain. Có thể hiểu đơn giản, phân quyền là cách chuyển quyền kiểm soát từ một thực thể trung tâm như công ty, tổ chức Chính phủ, hay ngân hàng sang tập hợp các cá thể trong mạng lưới. Hay phân quyền chính là sự trao quyền kiểm soát cho toàn bộ người dùng tham gia vào dự án hoặc nền tảng thông qua các node mạng. Những người này được gọi là người xác thực hay validator.
Có thể thấy, các mạng lưới phi tập trung tạo ra mức độ đồng thuận công khai và minh bạch cao hơn. Bởi không có một thực thể nào có khả năng kiểm soát toàn bộ mạng lưới. Tuy nhiên, việc tối ưu hóa sự phân quyền đã dẫn đến thông lượng của toàn bộ mạng lưới bị giảm xuống, hay chính xác là đề cập đến khả năng mở rộng.
Tính bảo mật
Bảo mật là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu bởi cả những nhà phát triển và các nhà đầu tư. Thông thường, để tăng khả năng mở rộng trên mạng lưới cũng như đảm bảo tính phân quyền thì các nhà phát triển thường phải đánh đổi bằng khả năng bảo mật chung của toàn bộ hệ thống. Và vụ tấn công vào sidechain Ronin của Axie Infinity là một trong những ví dụ điển hình. Trung Nguyễn – nhà sáng lập Axie Infinity đã chia sẻ rằng:
“Trong khi chạy đua để phát triển, chúng tôi đã đánh đổi một số thứ, dẫn đến việc bị hacker tấn công.”
Khả năng mở rộng
Khả năng mở rộng của giao thức blockchain đề cập đến các yếu tố cơ bản như tốc độ xử lý giao dịch, thông lượng của mạng lưới… Các blockchain gặp tình trạng tắc nghẽn mạng lưới khi số lượng giao dịch tăng lên là biểu hiện của thiếu khả năng mở rộng.
Blockchain Trilemma hay bộ ba bất khả thi của blockchain cho chúng ta biết rằng khả năng mở rộng lớn hơn là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chúng ta phải đánh đổi về tính phân quyền, tính bảo mật hoặc cả hai đều bị ảnh hưởng. Ở thời điểm hiện tại, khả năng mở rộng là yếu tố cơ bản dễ nhận thấy nhất để các mạng blockchain cạnh tranh trực tiếp với nhau. Mặc dù nhiều nền tảng đã thiết lập tính phân quyền và bảo mật nhưng việc đạt được khả năng mở rộng cao vẫn là thách thức lớn đối với các mạng phi tập trung hàng đầu hiện nay.
Một số blockchain nổi bật
Hiện tại, các blockchain như Bitcoin và Ethereum được nâng cấp thiết kế tập trung vào vấn đề phân cấp và bảo mật. Mặt khác, cả hai blockchain đều có thời gian xử lý giao dịch cực kỳ chậm do tất cả các nút trên các blockchain tương ứng phải đạt được sự đồng thuận trước khi giao dịch có thể được xử lý. Chính bởi cả hai vấn đề này nên đã gây ra ảnh hưởng về mặt chi phí cho việc nâng cấp khả năng mở rộng của hệ thống.
Ethereum có thể xử lý khoảng 15 giao dịch mỗi giây, trong khi Bitcoin chỉ có thể xử lý khoảng 7 giao dịch mỗi giây. Tuy nhiên, cả hai con số này đều nhỏ hơn rất nhiều so với dịch vụ thanh toán VISA với khả năng xử lý tới 24.000 giao dịch mỗi giây. Thậm chí ngay cả những đề xuất để giải quyết khả năng mở rộng của blockchain cũng một lần nữa lại trở nên bế tắc, tiến thoái lưỡng nan.
Còn với Blockchain của Ripple thì họ ưu tiên về vấn đề an ninh và khả năng mở rộng, Ripple Blockchain cung cấp khả năng tùy biến và kiểm soát tốt hơn, chính họ quyết định được ai sẽ tham gia mạng. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều tài nguyên để đảm bảo cho sự an toàn cho mạng lưới. Vì vậy, Blockchain của Ripple có khả năng mở rộng tốt hơn của Bitcoin hay Ethereum. Nhưng trên thực tế, Blockchain dạng này lại thiếu tính phân quyền, thường được các tập đoàn lưu trữ thông tin trong các nút mạng mà họ tin cậy.
Kết luận
Bài viết của DeFiX tới đây là kết thúc. Hi vọng những thông tin này hữu ích với các nhà đầu tư!
Hãy theo dõi DeFiX.Network để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị, mới nhất về thị trường trường tài chính và tiền điện tử nhé.
Hẹn gặp lại các bạn trong các bài chia sẻ, hướng dẫn tiếp theo. Chúc các bạn đầu tư thành công!