Đa phần các dịch vụ giao dịch tiền mã hóa của Robinhood đều được hỗ trợ bởi Jump Trading nhưng một số tiết lộ mới đây cho thấy cả hai đã không còn “chung đường”.
Robinhood “từ bỏ” đối tác market maker Jump Trading
Vào rạng sáng ngày 29/08/2023, Robinhood Markets Inc., nền tảng giao dịch tài chính có trụ sở tại California (Mỹ), đã không còn hợp tác với Jump Trading Group, một trong những quỹ giao dịch crypto và market maker lớn tại xứ cờ hoa.
Jump Trading được biết đến bởi sự phủ sóng rộng lớn trong thị trường tài chính truyền thống, đặc biệt trong thời điểm “Bullish Market” năm 2021. Họ là nhân tố quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh và sắm vai nhà tạo lập thị trường (Market Maker) để sinh lợi nhuận cho các dự án tiền mã hóa như Robinhood.
Tuy nhiên, bối cảnh pháp lý lĩnh vực crypto ngày càng “gay gắt” dường như đã khiến Jump Trading thay đổi lập trường và dần rút lui khỏi thị trường Hoa Kỳ. Quỹ còn đang bị SEC điều tra vì mối quan hệ với Terra – LUNA – UST.
Một số bằng chứng được công bố dựa trên báo cáo tài chính của Robinhood cho thấy, họ đã không đề cập đến Tai Mo Shan Ltd. – một công ty chi nhánh của Jump Trading xử lý các lệnh giao dịch của Robinhood – kể từ quý IV/2022. Do đó, Robinhood đã chuyển trọng tâm sang các công ty tạo lập thị trường khác, tiêu biểu như B2C2, hiện đang xử lý phần lớn giao dịch tiền mã hóa của Robinhood.
Hiện tại, cả Robinhood và Jump Trading chưa chính thức tuyên bố nguyên nhân chấm dứt hợp tác. Nhưng theo nhiều nguồn tin cho rằng, cuộc trấn áp tiền mã hóa của chính phủ Hoa Kỳ trong năm 2023, tiêu biểu là đơn kiện của SEC đối với hai sàn giao dịch crypto hàng đầu Binance và Coinbase, đã khiến các công ty tài chính truyền thống cẩn trọng với vị thế của họ trong lĩnh vực crypto.
Vào tháng 06/2023, Robinhood buộc phải huỷ niêm yết 3 đồng tiền mã hóa SOL, MATIC và ADA bởi chúng xuất hiện trong danh sách các đồng crypto bị SEC cáo buộc là chứng khoán trong đơn kiện Binance và Coinbase.
Gần đây có thông tin về chiếc ví Bitcoin lớn thứ 3 thế giới đang nắm giữ 118.300 BTC (trị giá 3 tỷ USD) thuộc sở hữu của Robinhood, nhưng đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và lưu ký số Bitcoin đó lại là Jump Trading. Câu hỏi được đặt ra: “Liệu cả 2 tổ chức này sẽ giải quyết “phân chia” số lượng BTC trên như thế nào “hậu chia tay”?
Jump Trading Group
Jump Trading là một công ty tài chính tự doanh được thành lập vào năm 1999, có trụ sở tại Chicago, Hoa Kỳ, hoạt động trên các thị trường giao dịch tương lai, quyền chọn, tiền mã hoá và cổ phiếu trên toàn thế giới.
Jump Trading trong nhiều năm đã là một trong những nhà tạo lập thị trường lớn nhất trong tài chính truyền thống, đồng thời còn là thành viên của nhiều sàn giao dịch, bao gồm CME Group và New York Stock Exchange.
Jump Trading chính là chủ sở hữu quỹ đầu tư Jump Crypto – một trong những quỹ đầu tư “sừng sỏ” trong lĩnh vực crypto. Quỹ đã đầu tư vào hơn 68 dự án và dẫn đầu những vòng gọi vốn của 32 dự án nổi bật, bao gồm: Aptos, Sui, Hashflow, Phantom Wallet, hay Injective Protocol…
Mặc dù là một tên tuổi tài chính uy tín trong lĩnh vực crypto, Jump Trading cũng từng vướng vào vụ kiện liên quan tới stablecoin thuật toán TerraUSD (UST) với cáo buộc “thao túng giá” để thu lợi 1,3 tỷ USD.
Ban đầu, vụ kiện chỉ xuất phát từ đơn kiện tập thể đại diện bởi cá nhân tên Taewoo Kim nộp lên Tòa án Hoa Kỳ quận Bắc Illinois, nhưng sau đó, hồ sơ tòa án của SEC cũng xác nhận Jump Trading đã bắt tay với Do Kwon thao túng giá LUNA-UST để trục lợi.