Trong một cuối tuần của tháng trước, đã có khoảng 100 triệu USD được gửi đến tham gia mua token dưới dạng “presale”.
Theo một khảo sát của nền tảng bảo mật Blockchain Blockaid, 50% các đợt ra mắt token sớm (còn gọi là presale) trên Solana gần đây là thủ đoạn lừa bịp.
Cụ thể, những thành phần xấu đã sử dụng các mạng xã hội như Telegram, Twitter và Discord để lừa lọc người dùng, thông qua việc tương tác với smart contract hay trang web độc hại. CEO Blockaid Ben Natan thông tin thêm, hầu hết hoạt động lừa đảo tập trung vào mảng memecoin.
Trào lưu gửi tiền tham gia presale đã bùng phát trên hệ sinh thái Solana từ tháng trước. Ước tính chỉ trong một cuối tuần tháng 3, đã có đến 100 triệu USD tham gia định dạng bán token này. Mở màn xu hướng là dogwifhat (WIF) và Book of Meme (BOME).
Cách thức tiến hành presale rất đơn giản, chủ dự án sẽ đăng tải một địa chỉ trên các kênh xã hội (đa phần là X), yêu cầu nhà đầu tư gửi tiền vào ví đó, hiểu nôm na như một khoản tiền cọc giữ chỗ. Hết thời gian ấn định, dự án sẽ phân phối token lại cho người dùng, dựa trên tỷ trọng tiền gửi trước đó.
Từ đây, cơ chế lỏng lẻo mà ai cũng có thể khởi tạo memecoin đã làm sinh sôi hàng loạt chiêu trò gian lận. Đại diện Blockaid làm rõ:
- “Sự phấn khích xung quanh memecoin trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với người dùng muốn thử và tìm kiếm cơ hội mới, từ đó cũng dễ dàng trở thành miếng mồi cho các kẻ lừa đảo.”
Góp phần vạch trần vấn nạn trên, một tài khoản X @FFVV1211 mới đây đã có bài viết “châm biếm” cá voi Jeffrey Huang hay KOL “Machi Big Brother”. Anh này lật tẩy ca sĩ người Đài Loan đã bỏ túi 90% số tiền pre-sale, mà chỉ gửi lại cho cộng đồng 10%. Bởi lẽ, do không ai dám lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Bài viết đã thu hút gần 43.000 mắt xem, trong đó có cả Machi Big Brother, người đã phản hồi rằng “cộng đồng xứng đáng không nhận được gì cả.”
Hôm 28/03 Jeffrey Huang huy động thành công 195.000 SOL (tương đương khoảng 35 triệu USD) cho đợt presale memecoin Bobaoppa. Trong quá khứ, Huang đã từng phát hành hàng chục ICO cho hàng loạt dự án như Mithril, Formosa, Machi X, Cream Finance và Mith Cash.
Xong dạng presale kể trên không phải là hiện tượng mới trong thị trường tiền mã hóa. Tháng 6 năm ngoái, một tài khoản đã kêu gọi người dùng “gửi tiền đến YouGetNothing.eth để nhận lại Nothing”. Cuối cùng, anh ta đã mang số tiền thu hút được staking trên Lido, mà không trả bất cứ quyền lợi nào cho người tham gia, như đã tuyên bố “You get nothing”.
Một “case study để đời” khác liên quan đến presale của Slerf, memecoin có hình dáng là một con lười màu cam. Dự án đã “vô tình” đốt hết số tiền presale 10 triệu USD trong tối 18/03.