“Cha đẻ Ethereum” Vitalik Buterin mới đây đã đăng tải một bài blog đề xuất các tiêu chí để đánh giá mức độ “phù hợp” của các dự án trong hệ sinh thái Ethereum.
Vào ngày 28/09, đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã công bố một bài blog mới, đưa ra những đề xuất về việc xác định và đánh giá mức độ “phù hợp” của các dự án với hệ sinh thái của Ethereum.
“Cha đẻ” của Ethereum nhấn mạnh rằng:
- “Điểm mạnh của hệ sinh thái Ethereum nằm ở sự đa dạng với sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức, từ các nhóm phát triển, nhà nghiên cứu cho đến cộng đồng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để hợp nhất tất cả những nỗ lực này nhằm xây dựng một hệ sinh thái Ethereum thống nhất.”
Vitalik cho rằng các dự án cần được đánh giá dựa trên những tiêu chí cụ thể như giá trị, công nghệ và khả năng đóng góp kinh tế cho hệ sinh thái. Những tiêu chí này phải được xác định rõ ràng và có thể đo lường được nhằm đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng nhìn nhận dự án theo cảm tính hay thiên vị.
Nhà sáng lập Ethereum coi mã nguồn mở là nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái Ethereum. Những dự án sử dụng mã nguồn mở cần phải tuân theo tiêu chuẩn phần mềm tự do của FSF và định nghĩa mã nguồn mở của OSI.
Điều này không chỉ cho phép các nhà phát triển khác có thể kiểm tra, đánh giá tính bảo mật của dự án mà còn giúp giảm nguy cơ người dùng không bị phụ thuộc vào nền tảng độc quyền, cho phép các bên thứ ba đóng góp và cải thiện hệ thống mà không cần xin phép. Vitalik cho biết:
- “Không phải tất cả các phần của một ứng dụng đều cần phải mã nguồn mở nhưng những thành phần hạ tầng cốt lõi mà hệ sinh thái phụ thuộc thì bắt buộc phải là mã nguồn mở.”
Tiếp theo là khả năng tương tác của một dự án, Vitalik gợi ý rằng các ứng dụng và ví có thể được đánh giá theo loại ERC mà chúng tương thích.
Khả năng phân quyền và bảo mật cũng là yếu tố không thể thiếu khi các dự án cần hạn chế sự phụ thuộc vào hạ tầng tập trung và giảm thiểu rủi ro kiểm duyệt. Tiêu chuẩn này có thể được đánh giá qua các bài kiểm tra như “walkaway test” (liệu dự án có hoạt động nếu nhóm phát triển biến mất) và “insider attack test” (đánh giá mức độ thiệt hại nếu chính đội ngũ tấn công vào hệ thống).
Cuối cùng, dự án cũng cần được đánh giá dựa trên những tác động tích cực đến cộng đồng Ethereum chẳng hạn như sử dụng ETH làm token chính, đóng góp vào mã nguồn mở hoặc cam kết dành phần trăm token để hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái. Ngoài ra, những dự án có ý nghĩa tích cực đối với xã hội như giải quyết các thách thức toàn cầu cũng sẽ được đánh giá cao.
Blog này của Vitalik Buterin dường như là một lời phản bác khéo léo trước những nhận xét của Charles Hoskinson, nhà sáng lập Cardano, khi ông cho rằng Ethereum đang quá dựa dẫm vào tầm nhìn của Vitalik.
Tuy nhiên, ngoài việc đề xuất các tiêu chí khách quan để đánh giá các dự án trong hệ sinh thái Ethereum, Vitalik còn kêu gọi thiết lập nhiều hệ thống giám sát độc lập như L2beat và blockchain explorer để đánh giá dự án dựa trên các tiêu chuẩn minh bạch.
Lời kêu gọi này phản ánh rõ ràng ý định của Vitalik, khẳng định rằng sự phát triển của Ethereum không nên, và sẽ không phụ thuộc vào ông. Thay vào đó, ông khuyến khích cộng đồng xây dựng hệ sinh thái hoàn toàn phi tập trung, nơi mọi quyết định và đánh giá đều dựa trên tiêu chí khách quan, chứ không bị chi phối bởi bất kỳ cá nhân nào, ngay cả khi đó là chính ông.
Tuy nhiên, bài blog của Vitalik đã thu hút không ít phản hồi trái chiều từ cộng đồng, khi nhiều người cho rằng Ethereum đang chú trọng vào nghiên cứu công nghệ hơn là giải quyết nhu cầu của người dùng. BMAN, đồng sáng lập ABCDE Labs cho rằng các tiêu chí “phù hợp” thực sự là tập trung vào việc làm giàu cho nhiều người dùng trong hệ sinh thái.
Ông nhấn mạnh rằng Ethereum Foundation cần chú trọng nhiều hơn vào yếu tố thương mại để có thể cạnh tranh hiệu quả. Layer-1 Solana đang chứng tỏ mình bằng cách mang lại cho người dùng những khoản lợi nhuận đáng kể, thể hiện tính phù hợp rõ ràng với kỳ vọng của cộng đồng.
Ngoài ra, các nhà phát triển từ layer-2 Manta cũng bày tỏ quan điểm rằng, dù đồng ý với nhiều điểm được nêu ra, họ không cảm thấy hoàn toàn phù hợp với Ethereum. Sự khác biệt chính là Manta tập trung phát triển các sản phẩm trên Ethereum để phục vụ người dùng, thay vì chỉ nghiên cứu. Điều này trái ngược với hướng đi hiện tại của Ethereum, khi mà nền tảng này vẫn mang tính nghiên cứu nhiều hơn là đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng.