Công ty đứng sau ChatGPT và DALL-E OpenAI chính thức chuyển từ mô hình phi lợi nhuận sang hoạt động thu lợi nhuận, đánh dấu lần đầu tiên CEO Sam Altman nhận cổ phần trong công ty.
OpenAI chuyển mô hình sang vì lợi nhuận – CTO từ chức
Ngày 25/09, công ty phát triển ChatGPT là OpenAI đang tiến hành kế hoạch tái cơ cấu quan trọng, chuyển mình từ mô hình phi lợi nhuận sang công ty vì lợi nhuận.
OpenAI được thành lập vào năm 2015 với mục tiêu phát triển AI an toàn và có lợi cho toàn nhân loại. Ban đầu, công ty hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, cam kết tạo ra những công nghệ mở và phi thương mại với ưu tiên phát triển AI vì lợi ích xã hội.
Tuy nhiên, đến năm 2019, OpenAI đã thành lập nhánh công ty vì lợi nhuận với mục tiêu thu hút vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng lớn trong việc phát triển các mô hình AI tiên tiến. Các mô hình này đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ cho nghiên cứu, dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ.
Theo kế hoạch tái cơ cấu mới nhất, tổ chức phi lợi nhuận của OpenAI sẽ chỉ giữ lại một phần nhỏ cổ phần trong cấu trúc mới của công ty. Điều này cho phép các nhà đầu tư có quyền kiểm soát lớn hơn và giúp OpenAI thu hút nguồn vốn mạnh mẽ từ thị trường đầu tư. Phát ngôn viên của OpenAI nhấn mạnh:
- “Chúng tôi vẫn giữ vững sứ mệnh xây dựng AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tổ chức phi lợi nhuận vẫn là cốt lõi trong sứ mệnh của chúng tôi và sẽ tiếp tục tồn tại.”
Việc chuyển đổi này nhằm giúp OpenAI dễ dàng huy động vốn, đặc biệt là trong bối cảnh công ty đang lên kế hoạch huy động 6,5 tỷ USD với mức định giá dự kiến lên tới 150 tỷ USD. Đây là một con số ấn tượng, khi chỉ mới đầu năm 2024 OpenAI được định giá khoảng 86 tỷ USD.
Một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu lần này là việc CEO Sam Altman lần đầu tiên nhận cổ phần trong OpenAI, điều chưa từng xảy ra kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2015.
Trước đây, Altman đã từ chối việc sở hữu cổ phần để bảo đảm tính minh bạch và tránh mọi xung đột lợi ích trong việc điều hành công ty. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu lần này, ông sẽ chính thức trở thành cổ đông của công ty công nghệ này.
Cuộc tái cơ cấu này diễn ra đồng thời với sự thay đổi lớn về mặt nhân sự cấp cao tại OpenAI, CTO Mira Murati, người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ChatGPT và DALL-E, vừa thông báo rời khỏi công ty sau sáu năm rưỡi gắn bó.
Murati chia sẻ rằng:
- “Tôi muốn dành thời gian để khám phá những cơ hội mới và việc tôi rời đi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra một cách suôn sẻ, đồng thời giữ vững đà phát triển của công ty.”
CEO OpenAI Sam Altman cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Murati, khẳng định rằng rất khó để đánh giá hết giá trị mà cô mang lại cho công ty cũng như sứ mệnh của OpenAI.
Murati đã từng đảm nhận vai trò CEO tạm thời trong thời điểm khó khăn vào năm 2023 khi Sam Altman bị tạm thời loại bỏ khỏi hội đồng quản trị, một biến động lớn gây chấn động nội bộ công ty. Sự ra đi của Murati được xem là mất mát lớn đối với OpenAI khi cô là một trong những người có công lớn trong việc biến các ý tưởng AI của công ty thành hiện thực.
Không chỉ Murati, OpenAI cũng chứng kiến một loạt các thay đổi quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo của mình. Ilya Sutskever, đồng sáng lập và cựu CSO cũng đã rời OpenAI vào tháng 05/2024 để thành lập tổ chức mới có tên Safe Superintelligence. Trước đó, vào tháng 08/2024, đồng sáng lập OpenAI Greg Brockman cũng đã thông báo sẽ nghỉ phép đến hết năm 2024. Những thay đổi lớn này tại OpenAI đã khiến cộng đồng lo ngại về tính ổn định của đội ngũ lãnh đạo trong tương lai.
Trước tin tức về cuộc tái cơ cấu của OpenAI, giá Worldcoin (WLD) – dự án do Sam Altman đồng sáng lập – đã có phản ứng tích cực, ghi nhận mức tăng hơn 17% trong 24 giờ qua.
Elon Musk đã đúng khi quyết định kiện OpenAI
Việc OpenAI chuyển đổi sang mô hình thu lợi nhuận dường như chứng minh tỷ phú Elon Musk đã đúng khi ông quyết định kiện công ty này. Vào ngày 29/02/2024, Elon Musk đã chính thức khởi kiện OpenAI và CEO Sam Altman, cáo buộc rằng công ty đã từ bỏ sứ mệnh ban đầu là “phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) vì lợi ích của nhân loại với mục đích phi lợi nhuận”.
Trong đơn kiện, Musk nhấn mạnh rằng việc tạo ra ChatGPT cùng các gói nâng cấp tính năng yêu cầu người dùng phải trả phí là hành động vi phạm thoả thuận hợp đồng giữa các bên. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ 1 ngày trước khi tòa án quyết định chuyển vụ kiện sang giai đoạn tiếp theo, Musk đã rút lại đơn kiện khiến cộng đồng và truyền thông không khỏi bất ngờ.