BBVA, một trong những tổ chức tài chính lớn nhất hành tinh, chuẩn bị ra mắt stablecoin riêng vào năm 2025 với sự hỗ trợ từ “gã khổng lồ” thanh toán Visa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fortune, Francisco Maroto – người đứng đầu bộ phận tài sản kỹ thuật số và blockchain của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) – cho biết ngân hàng hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm “sandbox” của một chương trình mới từ Visa, giúp các công ty tung ra các tài sản token hóa (Real World Asset – RWA) của riêng họ, dự kiến sẽ đạt đến giai đoạn nguyên mẫu và hoạt động thực tế vào năm 2025.
Maroto cho biết BBVA muốn hợp tác với Visa, thay vì chọn một công ty stablecoin hiện có, vì danh tiếng đã được thiết lập và tuân thủ quy định của Visa. Đồng thời, Visa mới đây cũng đã ra mắt sản phẩm mới có thể hỗ trợ các ngân hàng phát hành token.
BBVA vẫn chưa quyết định liệu stablecoin của mình sẽ được hỗ trợ bởi tiền gửi, quỹ thị trường tiền tệ (MMF), hay các loại tiền pháp định như Euro (EUR) hoặc đô la Mỹ (USD), nhưng tiết lộ khả năng xây dựng sản phẩm kỹ thuật số của mình xoay quanh đồng EUR vì vị thế chủ đạo của họ ở Châu Âu
Maroto cũng cho biết công ty dự định sử dụng stablecoin này làm lớp thanh toán trên các sàn giao dịch cung cấp tài sản token hóa, với BBVA đảm nhận cơ chế “mint” và “burn” để chuyển đổi tiền pháp định vào các hệ sinh thái crypto.
Là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên thử nghiệm sản phẩm mới này, BBVA cũng có lợi thế khi hoạt động chủ yếu ở Châu Âu, nơi mới đây đã ban hành luật quản lý tiền mã hóa MiCA. Trong khuôn khổ quy định, MiCA cũng đặt ra hàng loạt điều kiện đối với việc phát hành stablecoin ở châu Âu. Hoa Kỳ không nằm trong kế hoạch ngắn hạn của BBVA.
BBVA đã hoạt động trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số từ năm 2014. Hiện tại, BBVA cung cấp dịch vụ lưu ký, giao dịch Bitcoin, Ethereum, và USDC tại Thụy Sĩ cho các khách hàng ngân hàng tư nhân và tổ chức.
Động thái chuẩn bị phát hành stablecoin riêng của BBVA nhằm giam gia vào mảng stablecoin đầy tiềm năng lợi nhuận, hiện đang được thống trị bởi USDT của Tether với vốn hóa thị trường khoảng 119 tỷ USD, độc chiếm tới 75% thị phần.
Các stablecoin này có giá trị được neo vào một tài sản thực tế, thường mua các khoản nợ tài chính của chính phủ phát hành để hỗ trợ giá trị của chúng. Điều này mang lại dòng thu nhập ổn định từ các khoản thanh toán lãi suất cho các công ty, khiến chúng trở nên vô cùng lợi nhuận.
Nhờ vậy, Tether liên tục ghi nhận lợi nhuận khủng theo thời gian, với kỷ lục mới nhất là 5,2 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, phần lớn đến từ việc nắm giữ tài sản bảo chứng dưới dạng tín phiếu kho bạc Mỹ để nhận lãi suất. Theo sau đó là USDC của Circle, với quy mô chỉ khoảng một phần ba so với USDT.
Không chỉ BBVA, một số tập đoàn tài chính hàng đầu như Revolut, Robinhood, State Street, PayPal với PYUSD cũng nhanh chóng “nhảy” vào miếng bánh “béo bở” này.
Bên cạnh đó, thị trường tiền mã hóa trong thời gian qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án stablecoin mới, có thể kể đến UStb của Ethena, sử dụng quỹ BUIDL của BlackRock để bảo chứng; USDS của BitGo; USDS của Sky (MakerDAO); stablecoin thuật toán của DWF Labs; RLUSD của Ripple; deUSD của Elixir;…
Người đại diện của BBVA hy vọng dự án mới nhất sẽ cho phép ngân hàng hưởng lợi từ xu hướng ngày càng tăng của việc token hóa các tài sản như bất động sản và quỹ tín dụng tư nhân.